Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hỗ trợ kinh phí đầu tư khoa học công nghệ: Đang xây dựng chính sách

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đều có nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ (KH-CN), nhưng việc tiếp cận nguồn lực này rất khó khăn. 
Chế biến sản phẩm rong nho tại Công ty TNHH Trí Tín.
Khó tiếp cận
Cơ sở chế biến nông sản An Hòa (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) hiện đang sản xuất 2 mặt hàng chính là chuối sấy và nước chuối đặc sản. Theo ông Nguyễn Tất Tứ – chủ cơ sở, các sản phẩm làm ra đều đạt chất lượng, được các ngành chức năng xác nhận. Tuy nhiên, do khó khăn trong khâu quảng bá tiếp thị nên sản phẩm tiêu thụ chậm. Các mặt hàng của cơ sở đã gửi đi tiêu thụ nội địa và nước ngoài như: Nhật, Úc nhưng các nước này đòi hỏi giấy chứng nhận hữu cơ nên tạm thời dừng lại. Hiện nay sản phẩm nước chuối tồn hơn 10.000 lít. Bên cạnh những khó khăn về thủ tục chuối hữu cơ, xưởng sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên rất cần vốn để đổi mới máy móc, thiết bị. Hiện nay, cơ sở đã đề xuất Sở KH-CN hỗ trợ kinh phí thay đổi công nghệ. 
Ông Lê Bền – Giám đốc TNHH Trí Tín cho hay, công ty đang bảo vệ Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm rong chế biến dạng miếng, sấy khô, ăn liền”. Nếu được hỗ trợ kinh phí, công ty phải bỏ ra khoảng 600 triệu đồng để đối ứng (70%). Sản phẩm có triển vọng rất lớn, tiếp cận trình độ công nghệ chế biến mặt hàng rong biển ăn liền của các nước: Nhật, Hàn Quốc đang bày bán tại các siêu thị. Có nhiều thủ tục mà DN phải vượt qua khi xin kinh phí. Phức tạp nhất là trả lời các biểu mẫu theo quy định của Bộ KH-CN. Có những vấn đề nếu trả lời hôm nay nhưng sau đó có thay đổi sẽ ảnh hưởng đến việc thẩm định dự án. 
Năm 2019 sẽ ban hành chính sách
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh có 18.626 DN vừa và nhỏ đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 142.412 tỷ đồng. Ông Lê Xuân Hải – Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Sở KH-CN cho biết, qua nắm bắt nhu cầu, các DN đều rất cần hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên đến nay, Sở KH-CN vẫn chưa hỗ trợ được cho đơn vị nào đổi mới công nghệ, ngoại trừ DN Trí Tín đang thực hiện đề tài nhiệm vụ KH-CN nhưng cũng chưa được cấp vốn.  
Liên quan đến những khó khăn về chính sách hỗ trợ đầu tư KH-CN, ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở KH-CN cho hay, Nhà nước có chủ trương chung là hỗ trợ KH-CN cho DN bằng nhiều phương thức như: đất đai, tài chính, KH-CN… Tuy nhiên, những DN được hỗ trợ phải có đề tài cụ thể. Thời gian qua, việc hỗ trợ bị vướng do chờ Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, trong đó, khái niệm về đổi mới sáng tạo vẫn chưa có định nghĩa nên cần phải chuẩn bị lại theo văn bản mới khi luật này được ban hành. Hiện nay, luật đã ban hành, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành soạn thảo chính sách áp dụng cho tỉnh. 
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ văn bản ban hành chậm là do Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ vừa ban hành quy định có những nội dung phải thông qua HĐND. “Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Sở Công Thương rà soát về quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện tại trên địa bàn tỉnh, dự kiến mở rộng, dự toán ngân sách hỗ trợ từng năm; Sở KH-CN xác định chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong hoạt động KH-CN, dự kiến kinh phí và nguồn lực; Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo để cùng tổng hợp đưa vào tờ trình tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành thành một nghị quyết vào kỳ họp giữa năm 2019”, ông Trần Minh Hải – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết. 

Theo: Báo Khánh Hòa