Thời gian qua, thị trường lao động, việc làm chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp trợ lực phát triển thị trường lao động và kết nối việc làm cho người lao động trở về địa phương.
Nhu cầu lao động sẽ tăng
Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động với hơn 162.000 lao động. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, làm gần 20.000 lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động; gần 300 DN phải dừng hoạt động; 70 DN bị phong tỏa, cách ly với gần 2.000 lao động.
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Với những nỗ lực của tỉnh, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Qua khảo sát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, có khoảng 6.000 DN đã hoạt động trở lại với hơn 105.000 lao động làm việc. Trong đó, tại Khu Kinh tế Vân Phong có 90% DN hoạt động trở lại với gần 86% lao động; tại các khu, cụm công nghiệp có 95% DN hoạt động với hơn 90% lao động; các DN khác trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại đạt 65% với khoảng 60% lao động.
Lao động trong các DN chủ yếu là người địa phương, khi DN hoạt động trở lại, người lao động (NLĐ) cũng quay lại làm việc nên tình trạng thiếu hụt lao động không trầm trọng. Chỉ một số DN hoạt động ở những lĩnh vực như: dệt – may – giày da, chế biến thủy sản – công nghệ thực phẩm, marketing – kinh doanh – thương mại, cơ khí – điện thường xuyên có sự biến động lớn về lao động nên dẫn đến thiếu hụt. Hiện nay, lĩnh vực chế biến thủy sản cần tuyển 500 lao động, dệt may cần khoảng 100 lao động, cơ khí – điện cần 400 lao động… Qua khảo sát, nhu cầu lao động của các DN những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ tăng 40% nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các dự án mới, mở rộng quy mô sản xuất và sự hoạt động trở lại của lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Tăng cường các giải pháp
Thống kê của Tỉnh đoàn và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian qua, có hơn 2.000 lao động từ các tỉnh phía nam được hỗ trợ đón về địa phương hoặc người dân tự trở về. Có khoảng 40% NLĐ trở về có nhu cầu, mong muốn được ở lại làm việc, học nghề tại quê hương. Chị Phạm Thị Diễm Linh (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) chia sẻ: “Trước đây, tôi làm việc tại nhà hàng chay ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Tôi rất mừng vì vừa qua được địa phương hỗ trợ về quê. Tôi mong muốn địa phương hỗ trợ tìm kiếm một công việc phù hợp để được ở lại đây làm việc”. Tương tự, anh Phạm Thanh Sơn (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết: “Ai cũng mong muốn có được một công việc ổn định tại nơi mình sinh ra và lớn lên. Do vậy, lần này trở về Nha Trang, tôi sẽ tìm kiếm một công việc phù hợp để làm”…
Ông Chu Văn Công – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, nhận thấy đây là nguồn lao động góp phần cung ứng nhân lực cho các DN trên địa bàn tỉnh, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để khảo sát lại nhu cầu việc làm, học nghề của những NLĐ trở về từ các tỉnh, thành khác. Trên cơ sở đó, trung tâm sẽ thông báo mời họ tham dự các phiên giao dịch việc làm được tổ chức lưu động tại các địa phương để kết nối cho NLĐ gặp gỡ trực tiếp với các DN tuyển dụng. Đồng thời, tư vấn học nghề, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho NLĐ lựa chọn thông qua website và các trang mạng xã hội…
Bên cạnh đó, để bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, tạo đà cho đơn vị, DN phát triển, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường lao động. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động; tăng cường kết nối cung – cầu về lao động; mở rộng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho NLĐ. Để triển khai hiệu quả giải pháp này, các ngành chức năng đang thực hiện rà soát nhu cầu tuyển dụng, đào tạo lại tay nghề cho lao động. Trên cơ sở đó, ứng dụng công nghệ thông tin để tư vấn giới thiệu việc làm, mở rộng các phiên giao dịch việc làm; tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới. Công tác đào tạo nghề sẽ tập trung ưu tiên những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đào tạo lại, nhằm nâng cao tay nghề cho NLĐ tại các DN, giúp họ tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm bền vững.
Ngoài ra, hỗ trợ các DN xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, có chính sách phúc lợi để thu hút và giữ chân NLĐ; tăng cường bổ sung vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ NLĐ vay vốn tự tạo việc làm, khởi nghiệp và mở rộng sản xuất…
VĂN GIANG
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202111/ho-tro-ket-noi-viec-lam-8234335/