Trên cơ sở quyết định của Bộ Tài chính về xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh (HS) ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trong năm học 2019 – 2020 theo Nghị định số 116/2016 của Chính phủ, UBND tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, phối hợp tiếp nhận, phân bổ gạo hỗ trợ. Bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết:
– Năm học vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận và cấp phát 135.570kg gạo hỗ trợ cho HS 4 huyện. Chính sách này đã tạo điều kiện cho các em đến trường, giảm tình trạng bỏ học.
Năm học 2019 – 2020, Sở GD-ĐT đã đề nghị lãnh đạo các trường học kiểm tra, xác định đối tượng HS và nhu cầu gạo cần hỗ trợ. Qua đó xác định, Khánh Hòa được cấp 163.755kg gạo cho 1.213 HS thuộc 24 trường ở 4 huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Vạn Ninh. Mỗi em được hỗ trợ 15kg gạo/tháng, trong 9 tháng. Cụ thể phân bổ cho 429 HS thuộc 9 trường ở huyện Khánh Sơn; 314 HS thuộc 3 trường ở huyện Khánh Vĩnh; 12 HS thuộc 2 trường ở huyện Cam Lâm và 506 HS thuộc 10 trường ở huyện Vạn Ninh. Việc tiếp nhận gạo được chia thành 2 đợt: học kỳ I nhận vào đầu tháng 10 và học kỳ II nhận vào đầu tháng 2.
– Xin bà cho biết cụ thể về đối tượng HS được nhận hỗ trợ gạo trong năm học mới?
– Có 4 nhóm đối tượng HS được nhận hỗ trợ gạo. Thứ nhất là HS tiểu học, THCS mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, THCS thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; nhà ở xa trường từ 4km trở lên đối với cấp tiểu học và từ 7km trở lên đối với cấp THCS; hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất đá.
Thứ hai là HS tiểu học, THCS mà bản thân và bố mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, THCS thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi; nhà ở cách xa trường từ 4km trở lên đối với cấp tiểu học và từ 7km trở lên đối với cấp THCS; hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
Thứ ba là HS THPT là người dân tộc thiểu số mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; nhà ở cách xa trường từ 10km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
Thứ tư là HS THPT là người Kinh có bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc gia đình hộ nghèo theo quy định; nhà ở xa trường từ 10km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
– Xin cảm ơn bà!
TIỂU MAI (Thực hiện)
Theo: Báo Khánh Hòa