Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Thời gian qua, nguồn vốn vay ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu – một trong những lĩnh vực ưu tiên theo quy định. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam điều chỉnh chính sách cho vay ngoại tệ theo hướng tiếp tục hỗ trợ nhóm DN xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu tàu biển của Khánh Hòa tăng trưởng khá ổn định.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Cát Phú (TP. Cam Ranh) có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng và xuất khẩu dăm gỗ. Trong những năm qua, DN quan hệ tín dụng vay ngoại tệ ở Vietcombank Khánh Hòa. Ông Lưu Văn Chánh – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Cát Phú cho biết, DN đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Năm 2018, với nguồn nguyên liệu dồi dào, công ty đã xuất khẩu 140.000 tấn dăm gỗ khô, tương đương hơn 300.000 tấn tươi qua thị trường Nhật Bản, đem lại doanh thu hơn 15 triệu USD. Trong năm 2019, công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà máy mới, tăng cường hoạt động xuất khẩu dăm gỗ. Công ty kiến nghị NH tiếp tục duy trì cho các DN xuất khẩu được vay ngoại tệ cho những đơn hàng xuất khẩu; đồng thời, giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ.

Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Cát Phú.

Hiện nay, chính sách cho vay ngoại tệ tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu với lãi suất thấp, chênh lệch đáng kể với cho vay VND. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến 3,5 – 3,7%/năm, trung và dài hạn 4 – 6,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay VND cho các đối tượng ưu tiên ngắn hạn 6 – 6,5%/năm, trung dài hạn 8,5 – 10,5%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, ngắn hạn ở mức 8,5 – 10%/năm, trung dài hạn 9,5 – 11,5%/năm.

Theo bà Hồ Thị Mai Trang – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khách hàng DN Vietcombank Khánh Hòa, đến ngày 31-12-2018, dư nợ cho vay ngoại tệ phục vụ xuất khẩu tại chi nhánh đạt 24,6 triệu USD, tăng 3,6 triệu USD so với năm 2017 do quy mô của các DN tăng và có thêm những khách hàng vay mới. Vốn vay tập trung vào các lĩnh vực xuất khẩu: thuốc lá, dệt may, cà phê, thủy hải sản, dăm gỗ… Dư nợ cho vay ngoại tệ chiếm tỷ lệ 5,5% tổng dư nợ của chi nhánh. Bà Bùi Thị Hương Lan – Phó Trưởng phòng Khách hàng DN BIDV Khánh Hòa cũng cho biết, dư nợ cho vay xuất khẩu của chi nhánh đến ngày 31-12-2018 quy đổi đạt 2.030 tỷ đồng, tăng 270 tỷ so với năm 2017; trong đó tỷ lệ cho vay ngoại tệ chiếm 83% tổng dư nợ cho vay xuất khẩu; tập trung vào lĩnh vực thủy hải sản, cà phê.

Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu – Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối năm 2018, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt 4.560 tỷ đồng, chiếm 5,86% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh; trong đó, dư nợ ngắn hạn là chủ yếu với 4.043 tỷ đồng, chiếm 89,41% dư nợ cho vay ngoại tệ. Dư nợ cho vay ngoại tệ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến thủy sản, sản xuất hàng dệt may để phục vụ xuất khẩu. Dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 3.841 tỷ đồng, chiếm 84,23% dư nợ cho vay ngoại tệ; dư nợ cho vay nhập khẩu phục vụ ngành công nghiệp, xây dựng 443 tỷ đồng, chiếm 9,71% dư nợ cho vay ngoại tệ.

Điều chỉnh chính sách cho vay ngoại tệ

Ngày 4-1-2019, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa ban hành Công văn số 11 chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động cho vay bằng ngoại tệ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, trả nợ và các giao dịch chuyển tiền của khách hàng theo quy định của pháp luật; bảo đảm cân đối được nguồn vốn bằng ngoại tệ phù hợp với thời hạn và mức vốn để cho vay; phổ biến, hướng dẫn các quy định cho khách hàng có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của khách hàng.

Ngày 28-12-2018, Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Thông tư số 42 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24 ngày 8-12-2015 về quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019. Đây là một bước tiếp theo hiện thực hóa chủ trương hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ của Chính phủ. Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét cho vay bằng ngoại tệ: đối với nhu cầu vốn ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu kinh doanh để trả nợ đến hết ngày 31-3-2019. Đối với nhu cầu vốn ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Đối với nhu cầu vốn trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu kinh doanh để trả nợ đến hết ngày 30-9-2019.

Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu, tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng trên địa bàn thấp, có xu hướng giảm dần, cụ thể: năm 2015 là 10,57%; năm 2016 là 8,62%; năm 2017 là 6,95%. Điều này phù hợp với Chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, “tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế”.

Tuy nhiên, Thông tư 42 không giới hạn cho vay ngoại tệ phục vụ xuất khẩu mà DN có đủ nguồn ngoại tệ trả nợ. Cụ thể, thông tư quy định “cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay…”. Bà Bùi Thị Hương Lan cho rằng,  đây là điều chỉnh mở hơn cho DN xuất khẩu khi không bị giới hạn về thời gian cho vay. Bà Hồ Thị Mai Trang cũng cho rằng, DN vay ngoại tệ ngắn hạn phục vụ xuất khẩu không bị ảnh hưởng và NH vẫn cho vay bình thường.

NAM DU
 

Theo: Báo Khánh Hòa