Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ phát triển, thời gian qua, nhiều đề án khuyến công đã được triển khai. Tuy chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế, nhưng chính sách khuyến công đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp.
Tạo động lực cho doanh nghiệp
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 15.500 DN vừa và nhỏ, kinh phí hoạt động còn hạn chế. Chính vì vậy, việc đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất đủ tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đối với các DN này là vấn đề không đơn giản.
Những năm qua, ngành Công Thương đã vận dụng nhiều chính sách để hỗ trợ các DN, đặc biệt là hỗ trợ cải tiến công nghệ. Nếu như năm 2018, nguồn kinh phí khuyến công địa phương chỉ đầu tư được 1,1 tỷ đồng cho 8 DN, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến thì đến năm 2019, tỉnh đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ các công ty, cơ sở sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là đề án khuyến công “Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất lưới B40” của hộ kinh doanh Nguyễn Lê Huyền Trang (thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) với mức hỗ trợ 115,2 triệu đồng; đề án “Đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ” của Công ty TNHH Trầm hương Biện Quốc Dũng (trụ sở tại phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) được hỗ trợ 50 triệu đồng; đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất gạch không nung block” của DN tư nhân Hưng Phát Khánh Vĩnh (tổ 7, thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh) được hỗ trợ 90 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn đề nghị UBND tỉnh phê duyệt và hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền 431,5 triệu đồng thực hiện đề án khuyến công địa phương cho Công ty TNHH MTV Bắc Vân Phong (xã Ninh Quang, Ninh Hòa) và Công ty TNHH Thảo Vy Anh (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh). Sự trợ lực về mặt tài chính tuy chưa nhiều nhưng đã giúp các đơn vị mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất, tăng sức cạnh tranh.
Ông Cáp Văn Hà – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh phẩm Nam Việt (Cụm Công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh) đánh giá: “Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, các DN vừa và nhỏ như chúng tôi có cơ hội để thay đổi dây chuyền sản xuất, đầu tư thêm máy móc nhằm cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng. Nguồn đầu tư tuy chưa đáp ứng được hết nhu cầu của các DN, song phần nào tạo động lực cho đơn vị phát triển, nâng cao năng lực sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm”.
Ông Lê Hoàng Thọ – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Các DN được hỗ trợ khuyến công năm nay đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Có thể khẳng định, việc hỗ trợ của Nhà nước kết hợp với đầu tư của công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh đang mang lại kết quả rất khả quan. Đa phần các DN đều phát triển được thương hiệu, tạo việc làm cho lao động địa phương cũng như đóng góp vào ngân sách.
Chưa đáp ứng hết nhu cầu
Được biết, từ năm 2014 đến nay, Sở Công Thương đã chỉ đạo và triển khai thực hiện hơn 50 đề án khuyến công nhằm hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sở cũng hỗ trợ 11 đề án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (trực thuộc Sở Công Thương) phối hợp với các địa phương thực hiện 20 đề án hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công với tổng kinh phí hơn 212 triệu đồng; 14 đề án cung cấp thông tin về chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công với tổng kinh phí 376 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sanh Đương – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công Thương, nguồn kinh phí khuyến công hiện nay chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các DN, còn rất nhiều đơn vị mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình, nhưng vì số vốn có hạn nên việc lựa chọn các đơn vị để hỗ trợ phải xem xét kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh. Công tác khuyến công hiện nay cũng được đánh giá còn có những vướng mắc, như số cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký tham gia chương trình khuyến công chưa tương xứng với số lượng và tình hình hoạt động thực tế. Đặc biệt, hoạt động khuyến công vẫn chưa thể huy động được nguồn tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước.
“Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục có những chính sách kịp thời để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ một cách hiệu quả và thiết thực hơn. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị cũng cần có sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng được xu thế của thị trường và nền kinh tế hội nhập”, ông Lê Hoàng Thọ nói.
Đình Lâm
Theo: Báo Khánh Hòa