Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hỗ trợ để ngành nghề nông thôn phát triển

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều chính sách hỗ trợ các ngành nghề ở nông thôn phát triển. Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản đốc thúc các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc triển khai hỗ trợ phát triển ngành nghề ở khu vực nông thôn.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 6.500 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn. Trong đó, có hơn 600 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, còn lại là các hộ cá thể. Ngành nghề nông thôn đang giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 28.000 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Một số ngành nghề nổi bật trên địa bàn tỉnh như: chế biến nước mắm; thủy hải sản; nem chua, chả lụa; bún, bánh tráng; chế biến cà phê; sản xuất thủ công mỹ nghệ mây tre lá, đan giỏ cần xé; đúc đồng; chế tác trầm hương; gây trồng và kinh doanh sinh vật… Ngoài ra còn một số ngành nghề gắn với tuyến du lịch sinh thái như: Trang trại Hoàng Trầm Khánh Hòa, Khu du lịch Nhân Tâm…

Nghề đan giỏ cần xé ở huyện Cam Lâm.

Đến nay, tỉnh cũng đã công nhận 6 nghề truyền thống, 4 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống, đi kèm với đó là các chính sách về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, vốn vay, xúc tiến thương mại… nhằm bảo tồn, phát triển các ngành nghề này. Riêng năm 2018, UBND tỉnh đã dành gần 4 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ việc bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống theo quy hoạch.

Ngày 8-4-2019, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai nghiêm quy định tại Nghị định 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào việc xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ kinh phí để di dời các cơ sở ngành nghề nông thôn ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch. Riêng đối với hỗ trợ lãi suất vốn vay, hiện nay, tỉnh đang áp dụng hình thức hỗ trợ các ngành nghề, làng nghề nông thôn được công nhận được hưởng chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm ngành nghề nông thôn. Thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 năm. Ngoài ra, theo Nghị định 52, các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư công; được áp dụng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng và các nguồn quỹ.

Song song với các chính sách liên quan đến đầu tư, tín dụng, xúc tiến thương mại, áp dụng khoa học công nghệ… theo Nghị định 52 của Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực, trước đó là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn… Đây đều là những chính sách nhằm hỗ trợ để duy trì được các ngành nghề truyền thống, cần thiết phải bảo tồn; thúc đẩy các ngành nghề nông thôn phát triển, mang lại thu nhập cao hơn cho khu vực nông thôn.

Cần tháo gỡ khó khăn

Tuy vậy, trong quá trình triển khai, không phải cơ sở, ngành nghề nào cũng có thể tiếp cận được với chính sách. Thông qua một số đợt làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với các xã, qua các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân đều bày tỏ những khó khăn trong việc tiếp cận chính sách. “Đi vay vốn, điều kiện tiên quyết là phải có tài sản thế chấp, trong khi các hợp tác xã nông nghiệp hầu như không có tài sản đảm bảo. Không tiếp cận được vốn đồng nghĩa với việc không tiếp cận được hỗ trợ lãi suất vay vốn”, lãnh đạo một hợp tác xã nông nghiệp ở Ninh Hòa cho biết. “Chuyện di dời cơ sở sản xuất ở nông thôn gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư cũng không dễ dàng. Quy hoạch chưa ổn định, có quy hoạch rồi lại thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ. Khi có cả 2 yếu tố đó thì đến lượt các cơ sở sản xuất khó khăn, di chuyển là chuyện tốn kém, bất cập. Như việc di dời các cơ sở sản xuất nước mắm, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm ra khỏi khu dân cư hàng chục năm qua vẫn chưa thực hiện được”, một cử tri ở huyện Diên Khánh nêu ý kiến.

Được biết, hiện nay, các sở, ngành liên quan tập trung phối hợp với địa phương hoàn thiện quy hoạch để di dời các cơ sở có tác động đến môi trường đang nằm trong khu dân cư. Chẳng hạn như di dời các cơ sở đúc đồng ở Diên Khánh đến nơi quy định; di dời, đóng cửa, thay đổi công nghệ đối với hoạt động sản xuất gạch ngói ở thị xã Ninh Hòa. Các ngành nghề được UBND tỉnh công nhận đều đã tiếp cận được với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ để mở rộng, nâng tầm sản xuất.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn có một số điểm mới so với Nghị định 66 trước đó, nhất là việc mở rộng đối tượng áp dụng thêm cho tổ hợp tác, hộ gia đình và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý ngành nghề nông thôn. Nghị định cũng giảm tiêu chí công nhận làng nghề xuống, chỉ cần 20% tổng số hộ trên địa bàn nông thôn có hoạt động nghề truyền thống là được Nhà nước công nhận làng nghề (trước đó là 30%). Các thủ tục để được công nhận cũng đơn giản hơn và có quy định rõ hơn về thời gian xử lý. Hy vọng, với những nỗ lực trên, thời gian tới sẽ có thêm nhiều nghề, làng nghề được công nhận để từ đó có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ phát triển, cải thiện hơn nữa thu nhập từ việc làm nghề của lao động ở khu vực nông thôn theo đúng mục tiêu, ý nghĩa của chính sách này.

Hồng Đăng
 

Theo: Báo Khánh Hòa