Theo Viện Quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ Hoa Kỳ, sa sút trí tuệ là sự mất chức năng nhận thức – khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, giải quyết vấn đề hoặc lý luận đến mức gây cản trở cuộc sống và hành động của một người. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ gồm nguyên nhân nguyên phát, thứ phát và các rối loạn liên quan. Theo đó, sa sút trí tuệ nguyên phát còn gọi là sa sút trí tuệ tiến triển và không thể đảo ngược, gồm: Bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy, sa sút trí tuệ thùy trán – thái dương, sa sút trí tuệ thể hỗn hợp. Sa sút trí tuệ thứ phát, gồm: Nhiễm trùng và rối loạn miễn dịch, bất thường về chuyển hóa và nội tiết, suy dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, u não, não úng thủy. Các rối loạn khác liên quan đến sa sút trí tuệ, gồm: Bệnh Huntington, chấn thương sọ não, bệnh Parkinson…
|
Theo các chuyên gia sức khỏe lão khoa, yếu tố nguy cơ (gồm lối sống, môi trường và di truyền) làm tăng khả năng một người có thể mắc sa sút trí tuệ. Bản thân các yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân gây bệnh. Các yếu tố nguy cơ của sa sút trí tuệ chia thành 2 nhóm, nhóm có thể thay đổi được và không thể thay đổi được. Đối với yếu tố nguy cơ không thay đổi được, tuổi là yếu tố nguy cơ cao nhất, đặc biệt là bệnh Alzheimer, khoảng 85% các trường hợp sa sút trí tuệ là từ 75 tuổi trở lên. Đối với các yếu tố nguy cơ gồm: Không hoạt động thể lực, béo phì, đái tháo đường, hạn chế tiếp xúc xã hội, trầm cảm, chấn thương đầu, uống quá nhiều rượu, tăng huyết áp, ô nhiễm không khí, hút thuốc lá… nếu thay đổi được sẽ giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn đến 40% các trường hợp sa sút trí tuệ.
Với bệnh Alzheimer ở giai đoạn sớm, người bệnh đôi lúc gặp khó khăn khi nhớ tên; giảm khả năng điều hành, phán đoán, lập luận, lập kế hoạch; khó duy trì sự chú ý và tập trung; giảm khả năng học tập và ghi nhớ thông tin mới; giảm khả năng sử dụng và hiểu ngôn ngữ; khó khăn tìm đường từ nơi quen thuộc này đến nơi khác. Ở giai đoạn trung bình, người bệnh tăng mất trí nhớ, quên người thân, bạn bè; không có khả năng học những điều mới; khó khăn với ngôn ngữ và các vấn đề về đọc, viết; khó suy nghĩ một cách logic; khoảng thời gian chú ý bị rút ngắn; khó thực hiện các việc nhiều bước như mặc quần áo; ảo giác, ảo tưởng và hoang tưởng; hành vi mất kiểm soát; bồn chồn, kích động, lo lắng, đi lang thang đặc biệt là vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối; các câu nói hoặc cử động lặp đi lặp lại. Ở giai đoạn nặng, người bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, không có khả năng giao tiếp, khó nuốt, tiêu tiểu không tự chủ, dễ bị nhiễm trùng, ảo giác, ảo tưởng, lang thang, tâm trạng kích động hoặc vô cảm.
Đối với sa sút trí tuệ do mạch máu, triệu chứng sớm gồm: Chậm chạp suy nghĩ, khó khăn với việc lập kế hoạch, khó khăn trong sự nhận biết, khó khăn trong tập trung, thay đổi tâm trạng hoặc hành vi, vấn đề về trí nhớ và ngôn ngữ. Khi ở giai đoạn muộn có các triệu chứng, như: Suy nghĩ chậm chạp, mất phương hướng và bối rối, mất trí nhớ và khó tập trung, khó tìm từ thích hợp, thay đổi tính cách, trầm cảm hay thiếu quan tâm thích thú, khó đi lại, giữ thăng bằng, hay ngã, mất kiểm soát bàng quang, khó khăn trong hoạt động hàng ngày.
Theo các chuyên gia, tiếp cận chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ gồm hàng loạt chuyên khoa, như: Lão khoa, thần kinh, tâm thần, tâm lý học và nhân viên xã hội. Để chẩn đoán sa sút trí tuệ cần phối hợp tiểu sử bệnh, thuốc đang dùng. Người bệnh cần được đánh giá tổng quát, đánh giá thính giác, thị lực, huyết áp, mạch, các chỉ số cơ bản về sức khỏe, khám thần kinh và thực hiện các xét nghiệm sinh hóa, hình ảnh sọ não… Việc điều trị sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần có sự trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân, thân nhân người bệnh để có hướng điều trị phù hợp; cần đánh giá môi trường an toàn tại nhà, nhu cầu di chuyển, tự chăm sóc bản thân của người bệnh.
Quế Lâm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)