Từ nhiều năm nay, tại khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) tồn tại 2 hồ nước lớn nằm giữa khu dân cư đông đúc. Người dân xả rác bừa bãi xuống hồ gây ô nhiễm môi trường. Địa phương đã gặp không ít khó khăn để giải quyết tình trạng này.
Hồ nước ô nhiễm
Sau những con hẻm nhỏ, hẹp, ngoằn ngoèo len lỏi trong các khu dân cư thuộc phía đông nam đường Phước Long (thường gọi là khu Bình Tân), thuộc tổ dân phố 2 Bình Tân có 2 hồ nước lớn, rộng hàng ngàn mét vuông, có cống thông với cửa sông Quán Trường. Xung quanh 2 hồ là nhà cửa san sát, chen chúc nhau. Nhiều hoạt động sinh hoạt, nước thải, rác thải, thậm chí có nhiều nhà vệ sinh theo dạng “cầu tỏm” đã xả thẳng xuống hồ nước. Mặt hồ thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt, cây cối ngã đổ, đồ dùng bị loại bỏ. Qua thời gian, lượng rác thải tích tụ chất thành đống lớn, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh nhiều muỗi, bốc mùi hôi.
Một hộ ở đường Tân Hải cho hay, 2 hồ nước vốn là hồ nuôi trồng thủy sản của người dân mấy chục năm qua. Nhưng từ ngày các hộ hết nuôi cá tôm, bỏ hoang thì xuất hiện tình trạng ô nhiễm do rác thải, nước thải. Mùa mưa thì đỡ hôi, ít ô nhiễm hơn do có gió bấc, đẩy bớt rác thải và nước tù đọng ra sông Quán Trường. Nhưng vào thời điểm tháng 3, tháng 5 hàng năm, khi gió nồm thổi lên, rất nhiều rác thải, xác động vật từ khu dân cư, nhà chồ ven sông Quán Trường trôi dạt vào hồ, bốc mùi hôi thối chịu không nổi. Những ngày nắng, nước cạn, tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn.
Ông Huỳnh Ngọc Trường – Tổ trưởng tổ 2 Bình Tân cho biết, 2 hồ nước vốn là đìa nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Huỳnh Nhương và ông Mai Hồng. Hiện nay, họ không còn nuôi trồng thủy sản trên hồ vì không hiệu quả. Xung quanh 2 hồ hiện có khoảng 70 hộ sinh sống. Do hồ bỏ hoang nên một số hộ xung quanh thiếu ý thức đã vứt rác xuống hồ, xuống sông gây ô nhiễm. Mặc dù tổ dân phố đã có tổ thu gom rác tự quản, tuyên truyền người dân bỏ rác đúng quy định, không xả rác bừa bãi, nhưng một số hộ không chịu đóng phí gom rác, rồi lén lút quăng rác xuống hồ. Trước đây, rất nhiều nhà dân sử dụng “cầu tỏm” quanh hồ. Chính quyền địa phương vận động, cho người dân vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà vệ sinh, nên tình trạng này đã giảm. Đến nay, chỉ còn 3 hộ dùng “cầu tỏm”, chưa chịu chuyển đổi, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng các hộ làm nước mắm xả thải ra hồ, sau một thời gian vận động đến nay cũng đã chấm dứt. “Việc vận động người dân không xả rác, nước thải xuống hồ cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều gia đình không chịu đóng phí rác, ý thức kém”, ông Trường nói.
Sẽ tiếp tục tuyên truyền
Ông Nguyễn Bá Thuận – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường cho biết, 2 hồ nước nói trên mỗi hồ có diện tích từ 2.000 – 5.000m2. Hiện nay, hồ của ông Mai Hồng nằm trong khu quy hoạch của dự án Khu dân cư Phước Long – Vĩnh Trường; chủ hộ đã nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa. Tuy nhiên, do dự án này đang trong quá trình thanh tra của cấp trên nên chậm tiến độ. Hồ còn lại vẫn thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Huỳnh Nhương. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, cải tạo hồ phụ thuộc vào chủ sở hữu. Hiện nay, hồ này đang bỏ hoang, không nuôi trồng, bị người dân vứt rác nên ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Sắp đến, UBND phường sẽ cho kiểm tra thực tế, tổ chức phát động nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh 2 hồ; vận động người dân đóng tiền phí rác đầy đủ, bỏ rác đúng nơi để tổ thu gom rác tự quản thu gom. Về lâu dài, để giải quyết tình trạng này, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu dân cư Phước Long – Vĩnh Trường; san lấp, nạo vét hoặc chuyển đổi mục đích hồ còn lại của ông Huỳnh Nhương. “Tuy nhiên, 1 hồ là đất của gia đình nên quyền quyết định của họ; hồ còn lại thì phụ thuộc tiến độ dự án. Vì thế, khó có thể giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường được ngay”, ông Thuận nói.
Lưu Khánh
Theo: Báo Khánh Hòa