Vào một buổi tối sau bữa cơm gia đình, cô Nguyễn Thị Đức Linh – giáo viên (GV) Trường THCS Võ Văn Ký nhận được cuộc điện thoại từ một phụ huynh của lớp em H. do cô làm chủ nhiệm. Chuyện là, em H. kiên quyết không chấp nhận việc mẹ chuẩn bị sinh thêm người em thứ 2, khiến không khí gia đình luôn nặng nề. Từ một học sinh (HS) năng động, thân thiện, chăm ngoan, H. hay buồn, thu mình và chểnh mảng trong việc học. Sau nhiều lần hỏi han, trò chuyện, cô Linh hiểu hơn về những cảm nghĩ của học trò, hiểu rằng em sợ sắp bị “ra rìa”, vì mẹ hay la mắng, vì nghĩ mẹ “không còn thương em”. Được cô giáo nhẹ nhàng phân tích, khuyên nhủ, H. dần hiểu ra vấn đề. Sau này, khi mẹ sinh em bé, H. thường hay chụp hình và hào hứng khoe người em của mình với cô giáo và các bạn.
Đó là một trong những câu chuyện trong quãng thời gian đứng trên bục giảng được cô Linh kể lại tại hội thi GV chủ nhiệm giỏi cấp THCS năm học 2017 – 2018 của TP. Nha Trang vừa qua. Bằng giọng điệu truyền cảm, cách xử lý tình huống linh hoạt, uyển chuyển và sự quan tâm sâu sắc đến HS, nhiều thầy cô đã đem đến hội thi những câu chuyện chân thực, xúc động về những kỷ niệm vui buồn, khó quên trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm lớp. Cô Linh chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, GV chủ nhiệm không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người. Nếu chúng ta có một tấm lòng yêu nghề, có tình thương yêu con trẻ thì mọi việc đều trở nên rất nhẹ nhàng và tự nhiên…”.
Ngoài phần thi kể chuyện, ở phần thi ứng xử tình huống sư phạm theo hình thức tự luận, ban tổ chức cũng đánh giá nhiều GV đã có cách ứng xử sáng tạo, tinh tế, vừa nghiêm túc, vừa uyển chuyển đối với HS. Theo ông Cao Đình Trung – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang, nhiều GV đã khai thác các nguyên nhân sâu xa trong các tình huống để tìm giải pháp xử lý và đưa ra cách giải quyết đạt lý, thấu tình. Trong phần thi hồ sơ GV chủ nhiệm, nhiều GV cũng đã đầu tư hồ sơ, thể hiện sự tâm huyết, chỉn chu trong công tác chủ nhiệm lớp và sự nghiêm túc trong việc thực hiện quy chế chuyên môn. Nhiều GV đã đưa ra kế hoạch chủ nhiệm phù hợp với tình hình của trường và địa phương, có mục tiêu, biện pháp, chỉ tiêu giáo dục từng mặt; có phần theo dõi kết quả giáo dục HS, có kế hoạch theo từng tuần và từng tháng; ghi chép chi tiết và đầy đủ các nội dung họp chủ nhiệm, họp phụ huynh HS… Đa số các sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cũng là những đề tài gần gũi, thiết thực với công tác chủ nhiệm và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục như: rèn kỹ năng sống cho HS qua tiết sinh hoạt lớp, phát huy năng lực tự quản của HS… Ở phần thi hiểu biết, các GV cũng thể hiện kiến thức chuyên môn vững vàng về những chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của ngành, địa phương liên quan đến công tác chủ nhiệm.
Bên cạnh đó, qua hội thi, ban tổ chức cũng đã rút kinh nghiệm một số vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các GV chủ nhiệm. Trong đó, có một số GV giải quyết tình huống sư phạm chưa triệt để, chưa phát huy tối đa sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội để rèn giũa HS. Vẫn có câu chuyện sử dụng nghệ thuật hư cấu nhằm làm tăng thêm ý nghĩa nhưng lại không phù hợp với thực tế. Có hồ sơ trình bày chưa khoa học, nội dung chưa đầy đủ, chưa có biện pháp giáo dục cụ thể đối với học sinh cá biệt. Ngoài ra, vẫn có sáng kiến kinh nghiệm chưa đủ tính thuyết phục và sáng tạo… “Qua hội thi, các GV có dịp nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ các văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục THCS nói riêng; đồng thời giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá chính xác hơn thực trạng đội ngũ GV làm công tác chủ nhiệm lớp hiện nay để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ này”, ông Cao Đình Trung cho biết.
H.NGÂN
Theo: Báo Khánh Hòa