Site icon Tin Tức Khánh Hòa

HIV/AIDS có ở tất cả tỉnh, thành với 99,8% số quận, huyện

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh vừa có báo cáo tổng hợp kết quả giám sát “Việc thực hiện Luật phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2016″ (báo cáo giám sát) gửi đến Quốc hội.

Theo đó, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của 8 bộ, ngành có liên quan (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và 9 địa phương (Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Nghệ An, Lai Châu và Sơn La).

Phát thuốc ARV tại cơ sở điều trị HIV ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng – Ảnh: Trọng Đức

Cũng theo bà Nguyễn Thuý Anh, tính đến tháng 9-2017, cả nước có 216.400 người nhiễm HIV đang còn sống, 87.500 người nhiễm HIV ở giai đoạn AIDS và đã có 95,4 nghìn người nhiễm HIV tử vong (số lũy tích).

Tuy nhiên, theo một số kết quả nghiên cứu khoa học và đánh giá của giám sát chuyên môn, ước tính cả nước hiện nay có khoảng 254.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng và mỗi năm có khoảng 10.000 – 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV.

Đáng lo ngại là dịch HIV/AIDS đã xảy ra ở tất cả tỉnh, thành phố với 99,8% số quận, huyện và trên 80,3% số xã, phường.

Tuy nhiên, qua số liệu thống kê cho thấy, trong 7 năm qua, số người nhiễm HIV/AIDS và tử vong hằng năm có xu hướng giảm rõ rệt. Số trường hợp HIV dương tính phát hiện năm 2010 từ 17.800 xuống còn gần 10.000 ca năm 2016; tử vong giảm từ 3.300 ca năm 2010 xuống còn 2.000 ca năm 2016. Đáng chú ý, trong tổng số phát hiện nhiễm mới, tỷ lệ nữ có xu hướng tăng dần.

Trong số những người phát hiện nhiễm HIV, nữ giới chiếm 24,7%, nam chiếm 75,3%, lây truyền qua đường tình dục chiếm 31,03%, lây truyền qua đường máu chiếm 50,03 %, mẹ truyền sang con chiếm 2,45%, không rõ chiếm 16,49%.

Tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và cao hơn tỷ lệ lây nhiễm qua đường máu, cảnh báo xu hướng lây lan của dịch HIV trong cộng đồng dân cư. Cụ thể là tình trạng lây truyền HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và từ nhóm nghiện chích ma túy nhiễm HIV sang vợ, bạn tình của họ. Hoặc trong giới trẻ và nhóm phụ nữ bán dâm sử dụng ma túy tổng hợp quan hệ tình dục tập thể không được bảo vệ.

Theo kết quả giám sát trọng điểm năm 2016, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 9,53%, phụ nữ bán dâm là 2,39% và nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là 7,36%. (nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm năm 2010 tương ứng 17% và 4%, có xu hướng giảm dần, riêng nhóm MSM có xu hướng gia tăng).

Tái trồng cây thuốc phiện ở nhiều nơi

Báo cáo giám sát cũng cho thấy về tình hình ma túy, tội phạm ma túy và nghiện ma túy trên cả nước cho thấy tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy vẫn tiếp tục diễn ra tại một số địa phương, đặc biệt là việc tái trồng cây thuốc phiện ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, ở khu vực biên giới các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung và trồng cây cần sa tại một số tỉnh phía Nam và Đông Bắc Bộ.

Chủng loại ma túy thay đổi liên tục, xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng. Đã xuất hiện một số tụ điểm điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp trong nước.

Đến hết năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện ma túy, tăng 10.617 người so với năm 2015 (200.134 người). Trong đó, nam: 204.220, nữ: 6.492 người; 67,5% đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% trong các cơ sở cai nghiện, 19% đang trong trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Về độ tuổi, dưới 16 tuổi: 1.112 người; từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: 1.583; từ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi: 76.515 người; từ 30 tuổi trở lên: 131.541 người. Số liệu tổng hợp từ 53 tỉnh, thành phố cho thấy trong độ tuổi vị thành niên nghiện ma tuý là 2.718 em.

Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống HIV, ma túy và mại dâm ở nhiều nơi vẫn mang tính phong trào.

Tổng kinh phí bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 – 2015 là 2.360.940 triệu đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 1.783.960 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 474.000 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 1.309.960 triệu đồng), bằng 70% so với mức phê duyệt Chương trình của Thủ tướng Chính phủ (Chính phủ phê duyệt 2.522 tỉ đồng). Ngân sách địa phương chi 576.222 triệu đồng (chiếm 24,4%); kinh phí tài trợ của nước ngoài 755 triệu đồng (chiếm 0,1%).

Ngoài ra, còn có nguồn kinh phí từ Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Quỹ phòng, chống ma túy theo Quyết định số 47/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm. Theo báo cáo của Bộ công an, số dư quỹ đến hết ngày 31-12-2016 khoảng hơn 42 tỉ đồng.

Bảo Trân

Theo: Người Lao Động