Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hiệu quả từ trồng lan hữu cơ

Gần 20 năm chơi lan, trong đó có hơn 10 năm trồng lan theo phương pháp hữu cơ (sinh học) đã giúp ông Trần Thanh Sơn (thôn Phú Trung, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề này.

Nằm sâu trong con hẻm ở thôn Phú Trung, vườn lan của ông Sơn xanh mướt, đượm sắc hoa. Gần 20 năm tiếp xúc với hoa lan rồi đi vào sản xuất thực thụ nhưng theo ông Sơn, thành công nhất của ông là giai đoạn 10 năm trở lại đây khi ông chuyên sâu vào nuôi lan hữu cơ.

Ông Sơn mong các cấp hội giúp vốn để mở rộng diện tích.
 

Ông Nguyễn Văn Toàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thạnh: Ông Sơn là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố nhiều năm liền và gần đây được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Ông trồng lan đã lâu, theo phương pháp hữu cơ, lan phát triển tốt. Ông thường giúp đỡ, tư vấn cho người dân cách trồng lan, tạo việc làm cho lao động nông thôn vì có cơ sở sản xuất giỏ lan.

Theo ông Sơn, trồng lan theo phương pháp hữu cơ là cách sử dụng hoàn toàn biện pháp sinh học, tuyệt đối không dùng hóa chất từ việc lọc nước, bón phân, thông gió hay sử dụng giá thể. Trước đây, ông thường sử dụng vôi và Chlorin B để khử trùng nhưng cách này làm lan vàng vọt, thiếu sức sống. Hiện nay, ông trồng lan không sử dụng hóa chất. Ông xây 2 hồ (1 lọc và 1 chứa) âm dưới đất, mỗi hồ có dung tích 15 – 16m3. Hàng ngày, nước từ giếng bơm vào hồ lọc bố trí vật liệu lọc ngược, sau đó đưa vào hồ chứa để từ đó tưới cho lan. Để xử lý nấm, bệnh trên cây lan, ông sử dụng hoàn toàn các loại thuốc sinh học thay cho hóa chất như: 666, Basudin, PAM… như trước đây. Ông cũng dùng các chế phẩm đặc dụng của lan để lan đượm sắc, lâu tàn. Ngay cả việc sử dụng giá thể cũng rất kỹ. Trước đây, ông thường sử dụng lại giá thể (than), việc này vô tình làm lan mang mầm bệnh, chậm lớn, sức sống yếu. “Sử dụng biện pháp sinh học mang lại hiệu quả tối ưu. Với phương pháp hóa học, chỉ cần sử dụng liều lượng hơi quá là cây lan phản ứng ngay, cháy viền lá, rễ, biểu hiện của sốc thuốc. Nhưng biện pháp sinh học thì ngược lại, rất an toàn”, ông Sơn chia sẻ.

Những kinh nghiệm đúc kết từ nghề trồng lan giúp ông Sơn có một công việc khá ổn định. Ngoài chăm sóc lan, ông còn sản xuất giỏ trồng lan các loại. Hiện nay, việc sản xuất giỏ đã giải quyết việc làm cho hơn 10 nhân công là lao động địa phương với thu nhập 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, mỗi năm, cơ sở của ông sản xuất hàng ngàn giỏ hoa các loại, thấp nhất giá 40.000 – 50.000 đồng/giỏ, cao nhất vài trăm ngàn đồng.

Vườn lan của ông phong phú sắc hoa lan, chủ lực là giống Dendro, bên cạnh đó là các loại lan như: Cattleya, Brassavola, hồ điệp, nghinh xuân, vũ nữ, dã hạc… Mỗi năm, vườn của ông xuất bán hơn 10.000 chậu lan các loại.

V.L

Theo: Báo Khánh Hòa