Qua kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình của tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã phát hiện và kiến nghị thu hồi được tiền thuế nộp ngân sách.

Nhận ủy quyền… không công?

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Ngày 25-1-2018, TAND TP. Nha Trang xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa bà H.X.T (nguyên đơn) với ông N.T.Th (bị đơn) và tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc ông Th. trả 200 triệu đồng cho bà T. Đây là khoản tiền hai bên đã thỏa thuận sau khi bà T. thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền thay ông Th. tham gia tố tụng năm 2014 trong một vụ án đòi nhà và đất cho ở nhờ. Sau khi nhận ủy quyền, bà T. đã thay mặt ông Th. tiến hành các bước tố tụng tại cơ quan pháp luật; gặp gỡ đương sự để bàn bạc, giải quyết các nội dung liên quan đến tranh chấp. Năm 2016, TAND TP. Nha Trang ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án đòi nhà đất trên. Sau đó, bà T. đòi tiền thù lao thì ông Th. trốn tránh. Tháng 6-2017, bà T. khởi kiện ra tòa và được tuyên chấp nhận yêu cầu như trên.  


Thực hiện chức năng kiểm sát, VKSND tỉnh nhận thấy, hồ sơ thể hiện ông Th. có văn bản ủy quyền cho bà T. tham gia tố tụng không thù lao. Nhưng sau khi vụ án bị đình chỉ, tháng 2-2017, ông Th. lại lập một bản thỏa thuận trả 200 triệu đồng tiền thù lao dịch vụ cho bà T. Như vậy, có đủ căn cứ khẳng định, bà T. nhận ủy quyền tham gia tố tụng cho ông Th. có thù lao với mức thỏa thuận là 200 triệu đồng. Hai bên đã tự nguyện viết giấy thỏa thuận. Việc này không trái pháp luật và trái đạo đức xã hội. TAND TP. Nha Trang nhận định hợp đồng hợp pháp và chấp nhận là có cơ sở. Từ đó cho thấy, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bà T. phải nộp thuế TNCN cho Nhà nước.


Theo bà Đào Thị Ngọc Thuận – Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (VKSND tỉnh), hiện nay, việc cá nhân nhận ủy quyền tham gia tố tụng để nhận thù lao nhưng không kê khai, nộp thuế TNCN theo quy định là thực trạng khá phổ biến trong hoạt động dịch vụ, tư vấn pháp lý trên toàn quốc. Khi thực hiện các dịch vụ này, người nhận ủy quyền thường che giấu việc có thu nhập bằng hợp đồng ủy quyền không thù lao. Nhưng thực chất, việc thực hiện các dịch vụ trên có thù lao và mức thù lao thỏa thuận có khi lên đến hàng trăm triệu đồng hoặc giá trị tài sản vật chất đến hàng tỷ đồng. Xét ở góc độ pháp lý, khoản thù lao này thuộc thu nhập chịu thuế TNCN. Đáng nói, những người có thu nhập này lại “lách luật” bằng cách xác lập giao dịch nhận ủy quyền… không thù lao để  trốn thuế TNCN.

Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý



Năm 2019, ngành kiểm sát 2 cấp tỉnh giải quyết gần 6.000 vụ, việc dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, có 27 kiến nghị các loại. Riêng VKSND tỉnh giải quyết 257 vụ, việc dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, có 8 kiến nghị các loại, vượt chỉ tiêu được giao (1 kiến nghị/năm); riêng quý I năm nay tiếp tục có 2 kiến nghị. Đến nay, các kiến nghị đều đã được các ngành, đơn vị liên quan chấp nhận.  

Ngày 20-1, VKSND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Cục Thuế tỉnh truy thu thuế đối với bà T., đồng thời đề nghị cơ quan này có biện pháp quản lý, chống thất thu thuế đối với các đối tượng nhận ủy quyền có thù lao trong hoạt động tố tụng tương tự trên địa bàn tỉnh.


Ngày 27-2, Cục Thuế tỉnh có công văn hồi đáp đã chỉ đạo Chi cục Thuế TP. Nha Trang có biện pháp quản lý thuế đúng quy định với bà T., đồng thời chỉ đạo các chi cục thuế phối hợp với cơ quan tố tụng xem xét, xử lý các trường hợp tương tự.


Ông Nguyễn Thanh Hào – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết, công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân. Làm tốt công tác này chính là góp phần khẳng định vai trò của cơ quan kiểm sát trong hoạt động quản lý xã hội. Đặc biệt, 2 năm qua, VKSND Tối cao đã chỉ đạo chú trọng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực quản lý hành chính. Đây là cơ sở thuận lợi để VKSND tỉnh tập trung nhiều hơn nữa cho lĩnh vực này và xác định kiến nghị phòng ngừa là một trong những chỉ tiêu cơ bản của ngành. Thời gian tới, VKSND tỉnh tiếp tục chỉ đạo 2 cấp đẩy mạnh hơn nữa công tác này, kịp thời ban hành các kiến nghị chất lượng, góp phần giúp các ngành, cơ quan trên địa bàn tỉnh phòng tránh được các hành vi vi phạm pháp luật.


NGUYỄN VŨ

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/phap-luat/202005/hieu-qua-tu-kien-nghi-phong-ngua-vi-pham-8162542/