Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hiểm họa dưới chân đồi Trại Thủy

Sau vụ đá sập tại khu vực chân đồi Trại Thủy khiến hai người bị chấn thương nghiêm trọng vào ngày 4-1, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị khảo sát toàn bộ khu vực chân đồi Trại Thủy. Từ đó, đánh giá chính xác những nơi có nguy cơ sạt lở, sập đá để có phương án xử lý ngay.

Tai họa ngày trước Tết

Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thanh Long (sinh năm 1982) và con gái là Từ Nguyễn Hoàng Oanh (sinh năm 2009). Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Thanh Loan (chị ruột nạn nhân), thời điểm xảy ra tai nạn, hai mẹ con chị Long dọn vệ sinh khu vực đất trống sau nhà rồi đốt vàng mã ở cửa hang ăn sâu vào vách núi. Lúc này, tảng đá lớn rơi xuống đè lấp miệng hang và 2 mẹ con.

Hiện trường nơi tảng đá lớn bị sập xuống.

Lực lượng cứu nạn đã phá tảng đá có đường kính hơn 1m để đưa hai nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng hết sức nguy kịch. Cháu Oanh bị chấn thương sọ não, đứt lìa cẳng tay bên trái, gãy xương đùi bên trái… Còn chị Long bị đứt lìa dập nát đùi và phải cắt 1/3 phía trên của chân phải. Ngoài ra, còn bị chấn thương phức tạp ở vai bên phải.

Theo bà Ngô Thị Ngà – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phương Sơn, hoàn cảnh gia đình chị Long rất đáng thương, chồng đã mất cách đây 3 năm, chị một mình đi làm thuê, làm mướn để nuôi 2 con là cháu Oanh và cô con gái 20 tuổi có sức khỏe tinh thần không ổn định. Trước đây, gia đình chị Long thuộc diện hộ nghèo của phường. Năm 2016, từ nhiều nguồn kinh phí vận động, địa phương đã hỗ trợ cho chị Long xây được căn nhà nhỏ. Từ đó, chị Long đã nỗ lực lao động vừa đi làm thuê, vừa bán chả ram. Đến năm 2018, chị đã thoát nghèo và cuộc sống dần đi vào ổn định. Ấy vậy mà tai họa đã ập đến gia đình nhỏ của chị ngay trước thềm năm mới…

Cần có giải pháp đảm bảo an toàn 

 
Tại hiện trường, vách núi nơi tảng đá vừa sập xuống còn khá nhiều phiến đá đang trong tình trạng nứt gãy, có thể tiếp tục rơi xuống bất cứ lúc nào. Đây là khu vực núi đã qua quá trình phong hóa lâu ngày, cùng những tác động của ngoại cảnh nên chắc hẳn có tác động nhất định đến độ bền vững trong kết cấu của các phiến đá. Điều đáng lo ngại hơn, không riêng gì khu vực nói trên mà cả một đoạn chân đồi Trại Thủy, từ Văn chỉ Vĩnh Xương đến gần giáp ranh với đường Thủy Xưởng, có rất nhiều hộ sống cạnh chân núi.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hằng – Phó Chủ tịch UBND phường Phương Sơn, trong phương án phòng, chống thiên tai của địa phương thì khu vực xung quanh đồi Trại Thủy được đưa vào diện có nguy cơ xung yếu sạt lở, phải báo cáo thành phố. Và khi có thiên tai, mưa bão xảy ra đều phải di dời gấp hơn 150 hộ ở chân núi. Tuy nhiên, vụ việc đáng tiếc lần này xảy ra khi điều kiện thời tiết không có gì bất thường. Đây là bài học đối với địa phương trong công tác đảm bảo an toàn cho người dân sống ở khu vực chân đồi Trại Thủy.

Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, khu vực chân đồi Trại Thủy đã được người dân đến ở trong thời gian dài. Khu vực này cũng phù hợp với quy hoạch đất ở của thành phố. Với tai nạn lần này, các phiến đá bị rơi xuống không do bão lũ gây nên, mà do sự phong hóa lâu ngày. Sắp đến, thành phố sẽ chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị khảo sát toàn bộ khu vực chân đồi Trại Thủy. Từ đó, đánh giá chính xác những nơi có nguy cơ sạt lở, sập đá để có phương án xử lý. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có các biện pháp cảnh báo người dân sống trong khu vực nguy hiểm.

Giang Đình


Theo: Báo Khánh Hòa