Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hát bằng cả trái tim

Cuối tuần qua, Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức liên hoan văn nghệ dành cho người khuyết tật. Dù mỗi người có những khiếm khuyết riêng về thể trạng, nhưng họ đều mang trong mình một niềm khát khao kết nối với nhau thông qua những lời ca, điệu múa, tiếng đàn.

Hoạt cảnh múa Nỗi lòng mẹ con do các em đến từ Cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật Sao Mai biểu diễn.
 

Từ sáng sớm, khán phòng Trung tâm tiệc cưới Âu Lạc Thịnh đã nhộn nhịp với sự xuất hiện của những ca sĩ, diễn viên không chuyên đến từ các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật, hội người mù các địa phương trong tỉnh. Họ ở nhiều độ tuổi khác nhau, khiếm khuyết cơ thể cũng khác nhau, nhưng tất cả đều háo hức khi được tham gia liên hoan. “Tôi tham dự liên hoan với tiết mục đơn ca Bác Hồ một tình yêu bao la. Để chuẩn bị tốt cho phần thi của mình, mấy tuần nay, tôi đã cố gắng tập luyện. Mong muốn của tôi là được gửi tiếng hát tới mọi người”, anh Nguyễn Văn Dũng – Hội Người mù huyện Vạn Ninh chia sẻ.

Với chủ đề Nhịp bước yêu thương, liên hoan có 130 thí sinh đến từ 10 đơn vị trong tỉnh tham gia với 20 tiết mục ca, múa, nhạc. Ở đó, có những động tác múa đẹp mắt của các em nhỏ đến từ Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh với tiết mục Đi học xa. Khán giả cũng có những giây phút lắng lòng với hoạt cảnh múa Nỗi lòng mẹ con của các em đến từ Cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật Sao Mai. Trong khi chị Kim Hoa (Hội Người mù TP. Nha Trang) gây ấn tượng với bài ca cổ Lá trầu xanh, thì bạn Võ Lan Anh (Hội Người mù huyện Diên Khánh) lại chinh phục khán giả với tiếng đàn piano du dương trong bản nhạc Chưa bao giờ mẹ kể…

Mỗi người một tài năng khác nhau, nhưng tất cả các thí sinh đều có chung mục tiêu chính là đưa lời ca, điệu múa, tiếng đàn của mình góp phần tô đẹp thêm cuộc sống. Đây cũng là cách để mỗi người vượt lên trên hoàn cảnh của bản thân để hòa nhập với cuộc sống. “Tôi rất vui khi được đàn cho mọi người nghe bản nhạc mà mình yêu thích. Dù không nhìn thấy, nhưng tôi cũng cảm nhận được sự đón nhận của khán giả với phần biểu diễn của mình”, bạn Võ Lan Anh cho biết.

Trải qua 6 lần tổ chức, quy mô cũng như chất lượng của liên hoan cũng ngày được nâng lên. Quan trọng hơn cả, đây là sân chơi bổ ích đối với những người khuyết tật, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Có lẽ vì thế nên khi xem họ múa, nghe họ hát, mỗi khán giả đều cảm nhận được tình cảm sâu sắc cũng như nhiều cung bậc cảm xúc. Theo ông Nguyễn Phương Doanh – Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh, liên hoan văn nghệ người khuyết tật là hoạt động hưởng ứng ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), ngày toàn xã hội “Bảo vệ và chăm sóc người khuyết tật”. Sau 6 lần tổ chức, liên hoan đã trở thành sân chơi quen thuộc, lành mạnh, bổ ích dành cho những người khuyết tật, giúp họ được giao lưu, tự tin thể hiện năng khiếu nghệ thuật của mình và hướng đến niềm tin về tương lai tươi sáng. Liên hoan cũng là thông điệp gửi đến toàn xã hội hãy chung tay nhiều hơn để chăm sóc và bảo vệ người khuyết tật.

Giang Đình
 

Theo: Báo Khánh Hòa