Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hàng triệu người mất thêm tiền vì thuế tài sản; thuế bảo vệ môi trường thu không đủ bù chi

Áp thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng, ngân sách thu thêm 1,5 tỷ USD

Ngày 13/4, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo trình bày một số nội dung về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản.

Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng không chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng

Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.

Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện nay thu nhập người dân vẫn còn mức thấp nhưng giá nhà đất nhiều nơi bị đẩy lên cao rất nhiều. Do vậy, việc đánh thuế tài sản cần phải được tính toán kỹ, tránh tạo gánh nặng cho người dân.

Với phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng không chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đang nghiêng về thì với một căn chung cư có giá trị khoảng 1,7 tỷ đồng, sau khi trừ đi 700 triệu đồng ngưỡng không chịu thuế, hàng năm người sở hữu phải nộp thuế tài sản cho phần dư ra 1 tỷ đồng. Mức thuế hàng năm phải đóng tính vào khoảng 4 triệu đồng.

Chưa kể, phần đất để xây chung cư cũng phải tính thuế tài sản hàng năm, khoản thuế này sẽ được tính cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhân với hệ số cụ thể.

Bộ Tài chính: Thuế bảo vệ môi trường thu không đủ bù chi

Về đề nghị cần công khai thu thuế bảo vệ môi trường và chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết, trên thực tế, nhiều năm nay, chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn cao hơn số thuế bảo vệ môi trường thu được.

Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 (bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm).

Trong đó, số chi bảo vệ môi trường chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về bảo vệ môi trường không đưa vào ngân sách nhà nước.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Thông thường ngành thuế và Nhà nước không giải trình được tăng thuế như thế để làm gì, thiếu minh bạch về vấn đề sử dụng quỹ ấy khiến cho cứ mỗi lần đề xuất tăng thuế là bị dư luận phản ứng”.

Bà Lan cho rằng: Người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ Chính phủ, bộ ngành nếu biết lý do tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là gì? Hiệu quả môi trường của việc tăng thuế môi trường đó ra làm sao, ai sử dụng và đo lường hiệu quả ấy, còn hiện nay là rất tù mù.

“Sốt đất” 3 nơi sắp thành đặc khu: Cẩn trọng các chiêu trò thổi giá kiếm bạc tỷ

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian qua các nhà đầu tư đến khảo sát và giao dịch khá mạnh tại 3 địa điểm dự kiến trở thành đặc khu (Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa, Phú Quốc – Kiên Giang).

Giá đất tại Phú Quốc, VÂn Đồn, Bắc Vân Phong đang nhảy vọt

Vị này cho biết, có nhiều nhà đầu tư đến các khu vực này đầu tư thực sự và mang tính lâu dài. Những nhà đầu tư này họ có nhu cầu đất đai hạ tầng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Nhờ vậy thị trường bất động sản tại các khu vực này sôi động hẳn lên. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng xuất hiện rất nhiều nhà đầu cơ kiếu lướt sóng, mua xong thổi giá, chờ tăng giá kiếm lời.

Ông Hà cho rằng để tránh bong bóng, sốt ảo, cần kiểm soát được hiện tượng đầu cơ chộp giật, kích giá hay đưa ra các thông tin không chính xác để kiếm lời. Việc này nếu không được kiểm soát tốt sẽ làm lũng đoạn thị trường, nhà đầu tư không chuyên, không nắm được thông tin dễ ngậm “trái đắng”.

Theo ông Hà, thực tế thời gian qua có rất nhiều hiện tượng thổi phổng thông tin kiếm lời. Theo đó, miếng đất vài trăm triệu đồng bỗng chốc thành vài tỷ đồng.

“Nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết, đi gom đất và sử dụng các môi giới không chuyên đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá cao. Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thị trường bất động sản khu vực”, ông Hà nói.

Vụ công ty tiền ảo lừa 15 nghìn tỷ đồng: TPHCM chỉ đạo công an vào cuộc gấp

Ngày 9/4, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn số 3643/VP-KT chỉ đạo về thông tin liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp lừa đảo 15 nghìn tỷ đồng. Theo đó, UBND TP chỉ đạo Công an TP và các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh vụ việc.

Theo như nội dung văn bản khẩn số 3643/VP-KT do Văn phòng UBND TPHCM ban hành ngày 9/4, UBND TP đã nắm được sự việc nhiều người dân căng băng rôn tố cáo công ty M.T lừa đảo 32 ngàn người thông qua hình thức mua tiền ảo iFan với số tiền lên tới 15 nghìn tỷ đồng.

Do đó, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã giao cho Công an Thành phố nhiệm vụ phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra xác minh sự vụ trên, khẩn trương báo cáo đề xuất trình UBND Thành phố.

Cũng theo văn bản này, UBND TPHCM khẳng định các loại tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

32.000 người dính bẫy lừa đảo tiền ảo

Việt Nam mở cuộc điều tra thương vụ Grab “thâu tóm” Uber

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết chiều ngày 12/4, cơ quan này đã có buổi làm việc với đại diện hợp pháp của Công ty Uber Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Uber cho biết từ 23h59 ngày 8/4/2018, Uber đã chính thức chấm dứt hoạt động của ứng dụng Uber tại Việt Nam và hiện tại Văn phòng Uber Việt Nam cũng đã đóng cửa. Như vậy, giao dịch tập trung kinh tế giữa Grab và Uber đã chính thức hoàn tất tại thị trường Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả làm việc với các bên liên quan và thông tin thu thập được, căn cứ Khoản 2 Điều 86 Luật Cạnh tranh năm 2004, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế nêu tại Luật Cạnh tranh năm 2004.

Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ.

Tổng cục Hải quan: Kỷ luật tập thể vụ phí “bôi trơn” ở Hải quan Hải Phòng

Tổng cục Hải quan vừa có báo cáo khẩn về vụ việc cán bộ hải quan của Hải quan Hải Phòng bị phản ánh nhận tiền “lót tay, bôi trơn” khi làm thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp tại cảng Đình Vũ.

Trong ngày 9/4, Tổng cục Hải quan có Công văn số 1869/TCHQ và Fax số 21 đề nghị Cục Hải quan Hải phòng xử lý vụ việc báo chí phản ánh tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ.

Tổng cục Hải quan cho biết, đã yêu cầu Hải quan Hải Phòng tiến hành ngay thủ tục tạm đình chỉ công tác đối với các công chức hải quan liên quan. Ngay sau đó sáng ngày 9/4, 3 công chức có mặt trong hình ảnh đã bị tạm đình chỉ công tác là ông Vũ Đức Tuấn, ông Bùi Tiến Cường và ông Đào Đức Anh.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Hải quan Hải phòng tiến hành kiểm tra, xác minh, đồng thời làm rõ, xử lý, kỷ luật tập thể, cá nhân có sai phạm.

Bích Diệp (tổng hợp)
Theo: Dân Trí