Ngân hàng Nhà nước mới đây đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thay đổi linh hoạt, giảm hạn mức rút tiền tại máy ATM trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến 5 giờ để giảm rủi ro cho khách hàng, ngân hàng. Để phòng ngừa rủi ro mất tiền trong thẻ, thời gian qua các ngân hàng thường khuyến cáo khách hàng cần che tay khi nhập mã PIN trên máy ATM. Đồng thời, các chủ thẻ cũng được lưu ý về sự lựa chọn thời gian thích hợp để rút tiền nhằm hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có.

Về lý thuyết, những giao dịch phát sinh vào ban đêm không nhiều, nên việc hạ hạn mức rút tiền ban đêm, đặc biệt sau 23 giờ, sẽ không tác động nhiều đến nhu cầu sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng. Thế nhưng, vẫn có một số ý kiến cho rằng ngân hàng giảm hạn mức rút tiền tại máy ATM trong khoảng thời gian nêu trên sẽ gây sự bất tiện cũng như làm tăng phí đối với nhiều khách hàng, trong đó có người thường đi làm về vào ban đêm và cần rút tiền cho việc chi tiêu vào hôm sau. Một số khách hàng cho rằng hạn chế giao dịch vào ban đêm sẽ làm xáo trộn thói quen giao dịch tài chính thường ngày của họ. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể theo hướng tích cực, thì việc hạn chế giao dịch lại thực sự có lợi cho tất cả khách hàng.

Theo thống kê, hầu hết các vụ mất tiền trong tài khoản thẻ đều diễn ra thời điểm từ đêm về sáng. Hình thức đánh cắp tiền của nhóm tội phạm tinh vi đến mức ngân hàng cũng không thể chắc chắn đảm bảo sự an toàn cho tất cả các tài khoản thẻ đang giao dịch hay không có giao dịch. Đêm khuya được xem là “giờ vàng” để tội phạm có thể ra tay. Ngay cả những tài khoản thẻ chủ động cài đặt hạn mức rút tiền và chuyển tiền thì tội phạm cũng nhân cơ hội chuyển giao ban đêm để nhân đôi số tiền đánh cắp của chủ thẻ. Ví dụ, tài khoản của chị A. cài đặt hạn mức được rút tối đa 20 triệu đồng mỗi ngày. Bọn tội phạm chọn thời điểm trước và sau 0 giờ rút trộm tiền để sử dụng luôn hạn mức của cả hai ngày, số tiền trộm được sẽ là 40 triệu đồng. Thời điểm này chủ thẻ thường đã ngủ, ngay cả với các chủ thẻ có sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn SMS từ tổng đài ngân hàng báo về cũng khó phát hiện và không kịp báo cho phía ngân hàng để ngăn chặn.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Đó là chưa kể việc rút tiền vào thời điểm ban đêm tại các cây ATM cũng nguy hiểm đến tính mạng, tài sản con người. Thời gian qua đã có nhiều vụ cướp xe, cướp tài sản với những người rút tiền tại cây ATM vắng từ các đối tượng nghiện hút, cướp giật. Theo đó, việc rút tiền ban đêm là có rủi ro cho khách hàng cao hơn nhiều khi rút vào ban ngày.

 Như vậy, việc hạ hạn mức rút tiền mặt vào đêm khuya được xem như một giải pháp bổ sung để các ngân hàng có thể loại trừ mọi hành vi đánh cắp tài sản của nhóm tội phạm công nghệ thẻ. Đây cũng được xem là vòng bảo vệ “kép” cho tài khoản của khách hàng trước khi ngân hàng tìm được giải pháp thay thế tối ưu.

Thiết nghĩ, ngân hàng không chỉ cần giảm hạn mức rút tiền mặt tại ATM mà nên cân nhắc giảm hạn mức chuyển khoản vào thời điểm từ nửa đêm đến sáng để bảo vệ tốt hơn cho người dùng.

Trong trường hợp những khách hàng có nhu cầu giao dịch vào ban đêm với số tiền thực sự lớn và cấp thiết, có thể đăng ký hạn mức với ngân để được cung cấp thêm một số giải pháp bảo vệ như: điện thoại xác nhận giao dịch (24/24 giờ), cấp riêng mã bảo mật OTP, đăng ký thêm phương tiện xác nhận giao dịch… Trường hợp khách sử dụng mobile hoặc Internet banking thì ngân hàng sẽ cấp thêm những biện pháp bảo mật như: có thêm lựa chọn khóa thẻ tạm thời, có tùy chọn khung giờ luôn giao dịch, thay đổi mật khẩu ảo sau mỗi lần giao dịch. Khách hàng có nhu cầu tiền đột xuất vào ban đêm nên tìm đến những cây ATM của ngân hàng có bảo vệ gác; có thể rút ở ngân hàng khác ngân hàng mở thẻ với phí 3.300 đồng/giao dịch nhưng nếu có bảo vệ gác cũng phần nào bảo vệ được cho mình, đặc biệt tránh bị mất xe khi đang rút tiền. Với những khách hàng không thường xuyên có giao dịch rút tiền, chuyển tiền lớn thì có thể cân nhắc điều chỉnh hạn mức rút và chuyển tiền bằng thẻ xuống mức thấp, hoặc tốt nhất là không để quá nhiều tiền trong tài khoản thẻ ATM.

Theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, số lượng và tần suất các vụ skimming (sử dụng những thiết bị hiện đại để đánh cắp thông tin trong thẻ ATM và ghi lại mã PIN) gia tăng trong năm 2017 với 75 vụ, tăng 25% so với năm 2016. Đặc biệt, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để tránh bị phát hiện, tội phạm thường theo dõi thời gian tiếp quỹ của ngân hàng để thực hiện tháo thiết bị đánh cắp dữ liệu và lắp lại thiết bị bảo vệ bàn phím trước lần tiếp quỹ tiếp theo nhằm tránh sự phát hiện của nhân viên ngân hàng.

Trong nhóm tội phạm skimming xuất hiện đối tượng tội phạm mới là nhân viên của các đối tác bảo trì, bảo dưỡng máy ATM. Họ đánh cắp dữ liệu qua việc truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống. Các đối tượng lấy cắp số lượng thẻ nhỏ (từ 1 – 2 thẻ/lần) nhưng thông tin đánh cắp gồm tên, số dư tài khoản nên số tiền thiệt hại cho chủ thẻ khá lớn… Điểm đáng lưu ý là tất cả các giao dịch đều được thực hiện vào ban đêm tới gần sáng.

T.A (Tổng hợp)
 

Theo: Báo Khánh Hòa