Trong thời gian tới, có thể gần 10 hãng hàng không Việt Nam sẽ cùng cất cánh, ghi nhận một sự phát triển thần tốc của ngành hàng không. Tuy nhiên, với sự quá tải và xuống cấp hạ tầng tại các sân bay như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc có thêm những hãng mới có thể sẽ khiến sự quá tải thêm trầm trọng.

Chưa thêm hãng, sân bay đã thất thủ

Từ một quán cà phê trên cao tại quận Tân Bình nhìn vào sân bay Tân Sơn Nhất, bối cảnh nhiều người dễ dàng nhận thấy tình trạng “kẹt máy bay” diễn ra hàng ngày. Máy bay xếp hàng dài chờ đến lượt cất và hạ cánh.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Bên ngoài, từng dòng xe, dòng người nườm nượp di chuyển ra vào, kẹt các cửa ngõ của sân bay. Những ngày lễ, tết, Tân Sơn Nhất “thất thủ.” Đó là chỉ mới có 5 hãng hàng không đang hoạt động.

Mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 700 lượt chuyến bay cất và hạ cánh. Ngày cao điểm, con số này lên đến hơn 900. Năm ngoái, sân bay này đã phải “oằn mình” để “cõng” thêm trên 10 triệu lượt khách vượt công suất thiết kế. Trong khi đó, việc mở rộng Tân Sơn Nhất đã bàn từ 20 năm nay nhưng vẫn giậm chân tại chỗ.

Nhiều hành khách sau mỗi chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thường than phiền về việc máy bay dằn, sốc khi lăn bánh vào đường băng với tốc độ cao và đổ lỗi do phi công kém.

Một số phi công đã cầm lái trên các chuyến bay thừa nhận, hai đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất và 1B của Nội Bài đã rạn nứt, phụt bùn, xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường băng, bê-tông bị biến dạng, hằn in vệt bánh xe, có nguy cơ đóng cửa bất cứ lúc nào. Thậm chí, các phi công và kỹ sư, thợ máy của các hãng rất quan ngại về an toàn bay và tuổi thọ của tàu bay.

“Tàu bay là những cỗ máy khổng lồ lăn bánh với tốc độ và độ ma sát cực lớn trên đường băng. Mỗi ngày, 450-700 chuyến xếp hàng và thay nhau ‘quần thảo’ mặt đường mà chưa được bảo dưỡng, nâng cấp cấp bách những hư hỏng,” một cơ trưởng hãng hàng không tại Việt Nam chia sẻ.

[Có xây mới thêm nhà ga, vẫn chưa thể ‘giải cứu’ sân bay Tân Sơn Nhất]

Chưa kể, các hãng hàng không cũng phải chờ đến lượt cất hạ cánh và chậm, hủy chuyến. Đây là thực tế đáng lo ngại như lãnh đạo hãng hàng không than thở: “Nếu chậm chuyến, hãng đều bị thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ảnh hưởng dây chuyền đến sự vận hành của cả một công ty.”

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, kết quả khai thác những năm gần đây cho thấy các đường bay trục Tân Sơn Nhất-Nội Bài, Tân Sơn Nhất-Đà Nẵng và các đường bay đi/đến Tân Sơn Nhất chiếm phần quan trọng trong hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam. Đặc biệt, đường bay Tân Sơn Nhất-Nội Bài luôn là đường bay nội địa hấp dẫn hàng đầu, chiếm tới 22,7% thị phần nội địa, với hệ số sử dụng ghế lên tới 90% (cứ 5 khách bay nội địa thì có 1 khách đi trên đường bay này).

Điều này khiến các sân bay trên khai thác vượt công suất thiết kế cả nhà ga hành khách lẫn hạ tầng khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn). Thế nhưng, do vướng các quy định, nên việc sửa chữa, nâng cấp các sân bay này gặp nhiều khó khăn, dù Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) có tiền cũng không được sửa. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dù cấp bách nhưng hơn 3 năm vẫn chưa thể triển khai.

Thêm hãng mới: Vừa mừng, vừa lo

Con số thống kê từ Cục Hàng không cho thấy, trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2008-2018, số lượng tàu bay của Việt Nam đã tăng gấp 3 (đạt 192 tàu so với con số 60 tàu của năm 2008). Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Đáng lưu ý, nếu như năm 2008, đội tàu bay sở hữu của Việt Nam chỉ có 29 tàu thì đến nay con số này là 57 tàu.

Chỉ trong sáu tháng của năm 2019, thị trường hành khách chỉ đạt 38,5 triệu khách (tăng 9,4% so cùng kỳ 2018). Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 56,8 triệu lượt khách (tăng 8,4%). Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách, tăng 7,7%.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, 7/22 sân bay nước ta đã quá tải. Nghiêm trọng nhất là tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài công suất thiết kế lần lượt là 28 triệu và 21 triệu lượt khách/năm. Kết thúc năm 2018, con số thực tế lên tới 38,5 triệu và 28,8 triệu lượt khách/năm. Những con số này sẽ không dừng lại trong thời gian tới khi thị phần hàng không đang bùng nổ và phát triển với sự góp mặt của nhiều “lính mới.”

Dẫn chứng, mới nhất, Cục Hàng không đã cấp Giấy chứng nhận khai thác tàu bay (AOC) cho hãng hàng không Vietstar Airlines. Đây là hãng hàng không thương mại thứ 7 của Việt Nam được cấp phép bay, sau Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Vasco, Hải Âu, Bamboo Airways.

Ngoài ra còn 1 số dự án thành lập hãng hàng không mới khác cũng đã được Cục Hàng không thẩm định và báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải.

Với việc các hãng hàng không ra đời, nhập về nhiều tàu bay, hạ tầng hàng không sẽ trở nên chật chội, đặc biệt là tại các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Nha Trang…

Do đó, những hãng hàng không thành lập mới và đang xin giấy phép đã phải thay đổi nơi đặt căn cứ. Điển hình như với Bamboo Airways, thay vì đặt căn cứ tại các sân bay đã quá tải (như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…) đã chọn sân bay Phù Cát (Quy Nhơn). Tương tự, các hãng đang xin cấp phép cũng phải thay đổi “chiến thuật”, như KiteAir dự kiến đặt tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam); Vietravel Airlines dự kiến đặt căn cứ tại sân bay Phú Bài (Huế)…

Ha tang yeu kem, them hang bay moi lieu co ‘vo tran’ hang khong? hinh anh 1Có 7/22 sân bay nước ta đã quá tải.

Phó giáo sư Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá sự cạnh tranh của thị trường vận tải hàng không khác với nhiều thị trường khác bởi tính chất quan trọng đặc biệt của vận tải hàng không, liên quan nhiều đến vấn đề an toàn, an ninh và cả an ninh quốc phòng.

[‘Chạy đua’ mua tàu bay làm quá tải trầm trọng hạ tầng hàng không]

Trong khi đó, ông nhận xét việc xuất hiện những “tân binh” sẽ đem lại lợi ích cho hành khách sẽ là bài toán đau đầu cho cơ quan quản lý khi hạ tầng hàng không đang rất quá tải, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất, không đủ điều kiện cho phép cất/hạ cánh nhiều hơn trong giờ cao điểm.

Nhấn mạnh sự gia tăng các hãng hàng không mới vừa là tin vui nhưng cũng là nỗi sợ hãi của chính người dân, hành khách của các hãng hàng không, nhiều ý kiến quan ngại cảnh “vỡ trận,” ùn tắc, ngột ngạt của hành khách khi chen chúc, xếp hàng dài trong các nhà ga. Đường lăn, sân đỗ thiếu, giờ khai thác không đảm bảo vì tình trạng kẹt máy bay liên hoàn từ trên trời xuống dưới đất…

“Các hãng đang tồn tại phải ‘gồng mình’ để vận hành trong điều kiện hạ tầng quá tải, xuống cấp nghiêm trọng và chưa thể tưởng tượng được hãng hàng không sắp ra đời tới đây sẽ hoạt động trên điều kiện nào chứ đừng nói tới phát triển về đường dài, liệu họ có “đất” sống không?,” luật sư Duy Truyền, một người thường xuyên đi máy bay, thẳng thắn bày tỏ quan điểm./.

Xuân Thành (Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus