Chúng tôi trở lại tâm bão Khánh Hòa vào những ngày cuối năm. Tiết trời Nha Trang se se lạnh. Tại các trung tâm mua sắm, khách sạn lớn lung linh ánh đèn trang trí chào đòn mùa giáng sinh và năm mới 2018. Nhưng chỉ cách trung tâm sầm uất chừng vài chục km, những mảnh đời, số phận đang bươn chải gom nhặt từng chút để gượng dậy sau cơn bão lịch sử.
Sau bão gần 2 tháng, vẫn ở nhờ hội trường thôn
Từ trung tâm TP Nha Trang đi 20 km, chúng tôi quay lại ngôi làng Lương Sơn 3 nằm sâu trong thung lũng, cạnh vịnh Nha Phu (Khánh Hòa), nơi được xem bị ảnh hưởng nặng nhất của TP Nha Trang trong cơn bão số 12.
Căn nhà anh Ka Văn Khanh bị sập, đỗ nát trong cơn bão số 12. Ảnh: Phước Tuần. |
Người dân Lương Sơn 3 chủ yếu làm thuê, đi biển và trồng trọt xung quanh nhà. Dù ở TP nhưng cuộc sống vẫn còn nghèo khó. Trước mắt chung tôi là ngôi nhà sập hoàn toàn của anh Ka Văn Khanh, hộ thuộc diện hộ nghèo của xã.
Chỉ tay vào đống đỗ nát chưa thể xây lại, anh Khanh kể: “Nhà đổ sập hoàn toàn rồi, nhưng nghèo quá chưa có tiền dựng tạm lại mái lều để ở. Thôn cho mượn hội trường để cho gia đình 6 người sống tạm”.
Anh Ka Văn Khanh bên căn nhà cũ bị sập do bão số 12. Ảnh: Phước Tuần. |
Giờ đây gia đình anh cùng người mẹ và anh trai bị bệnh tá túc tạm ở hội trường thôn Lương Sơn 3. Nhìn cảnh 6 con người sống tạm ở hội trường thôn ai cũng xót xa.
“Hàng ngày 2 vợ chồng tôi đi làm mướn, cố gắng dành dụm lo cho 2 đứa con, mẹ già và người anh bị bệnh. Cũng cố gắng lắm nhưng cũng không đủ để dựng lại ngôi nhà nhỏ để có chỗ đi vô đi ra”, anh nói.
Ngôi nhà anh Khanh nằm trên sườn núi, địa thế rất dễ ảnh hưởng của bão. Anh Khanh kể lại khoảng 5h sáng, khi gió bắt đầu mạnh hất tung mái hiên nhà, anh điện cho hàng xóm lên nhà hỗ trợ đưa cả nhà về trốn bão. Rất may cả gia đình 6 người kịp rời nhà trước khi bị đổ sập hoàn toàn.
Căn nhà rộng chưa tới 20 m2 của hai vợ chồng già
Tâm bão Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) vẫn còn đó cảnh hoang tàn, xơ xác. Con đường dọc biển vốn là nơi tự hào của người dân vẫn còn những căn nhà đổ nát, sập xệ. Ngày trở lại, chúng tôi cũng nhận ra nhiều căn lều, mái nhà tạm bợ đã được dựng lên sau bão.
Trong căn nhà mới sửa lại rộng chưa tới 20 m2 từ tiền ngân sách tỉnh, ông Phạm Văn Đông (86 tuổi) buồn rầu nhìn về hướng biển. Ông Đông kể cơn bão số 12 không chỉ làm sập ngôi nhà nhỏ của 2 vợ chồng già mà còn cướp đi đứa cháu nội của ông. Là hộ nghèo của thị trấn, ông Đông ở với vợ, cũng hơn 80 tuổi, sống nhờ tiền phụ cấp tuổi già và hộ nghèo để sống qua ngày.
Hai vợ chồng già ông Phạm Văn Đông ở căn nhà nhỏ rộng chưa tới 20 m2 do chính quyền và hàng xóm hỗ trợ dựng lại sau bão số 12. Ảnh: Phước Tuần. |
Gia đình ông có 8 đứa con nhưng gia cảnh khó khăn, các con đi làm thuê làm mướn khắp nơi không giúp nhiều cho hai vợ chồng ông. “Nhà nằm ngay biển, bão vào gió quật đổ. Sau bão nhờ bà con hàng xóm, chính quyền mà 2 vợ chồng tôi dựng lại căn nhà nhỏ để ở”, ông Đông nói.
Cơn bão ác nghiệt ấy còn cướp đi đứa cháu nội mới 24 tuổi Phạm Văn Khang của ông. Ông kể lại: “Nhà nghèo, bố mẹ đi làm thuê nên 20 tuổi nó cũng phải đi làm lồng bè nuôi tôm cho người ta ngoài Đầm Môn. Bão vào, anh em làm chung lên thuyền vào kịp còn nó thì không may mắn”.
Căn nhà của hai ông bà Phạm Văn Đông ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ảnh: Phước Tuần. |
Nỗi đau buồn của ông Đông cũng là nỗi xót xa của người dân của thị trấn Vạn Giã. Trong đợt bão số 12 vừa qua, theo UBND thị trấn Vạn Giã, 31 hộ nghèo bị nhà sập hoàn toàn, 30 hộ nghèo có nhà hư hỏng nặng, tốc mái, sập tường.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Vạn Giã, cho biết ngoài những hộ nuôi tôm thiệt hại kinh tế khá lớn thì hơn 100 hộ nghèo của thị trấn thiệt hại nặng, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Chính quyền luôn ưu tiện đối tượng này ngay sau khi bão đi qua.
Theo: Zing News