Sự việc bé trai Đỗ Duy K. (2 tuổi, thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) tử vong ngày 6/6 tại nhà giữ trẻ tự phát của vợ chồng bà Lê Thị Luyến (35 tuổi) dấy lên câu hỏi: “Còn bao nhiêu nhà giữ trẻ tương tự đang tồn tại ở địa phương này?”. Và tại sao vấn nạn không mới, nhưng vẫn hiển nhiên tồn tại?
Không chỉ có nhà trẻ không phép của bà Luyến
Vợ chồng bà Luyến đang bị công an tạm giữ để điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé K. Bé K. được gia đình gửi cách đây 4 ngày thì xảy ra sự việc đau lòng.
Theo lời khai ban đầu của bà Luyến, cháu úp mặt vào xô nước, dẫn đến tử vong, nhưng gia đình nghi ngờ có sự uẩn khuất nào đó. Vì vậy, họ đã đồng ý khám nghiệm tử thi.
Cháu L.P.K. (phường Phước Long, Nha Trang) từng bị chấn thương sọ não sau khi bố mẹ gửi cháu ở nhà trẻ tự phát. |
Anh Huy (thân nhân bé K.) đau buồn: “Gia đình chỉ gửi tạm ở đó để bố mẹ cháu đi làm, chờ sang năm sẽ gửi cháu vào trường mầm non có cấp phép. Hơn nữa, nhà giữ trẻ cũng gần nhà, số tiền gửi cũng ít, mà thích gửi khi nào thì gửi. Chính vì sự tiện lợi đó mà đã không lường trước được hậu họa”.
Nhà giữ trẻ của bà Luyến hoạt động không phép nhiều năm nay (bắt đầu vào khoảng năm 2014), nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết. PV trực tiếp gặp ông Bùi Xuân Thềm – trưởng thôn Phước Thượng, ông tỏ ra thờ ơ: “Hàng xóm họ trông giữ dùm nhau đó mà. Có phải nhà trẻ gì đâu mà báo chí tìm hiểu”.
Bà Phan Thị Châu Anh – Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Nha Trang – cho biết theo Thông tư 13/2015 của Bộ GD&ĐT, việc quản lý các nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập tư thục thuộc trách nhiệm của các xã, phường. Còn Phòng GD&ĐT chỉ kiểm tra công tác quản lý đó ra sao.
“Qua kiểm tra công tác quản lý ở các xã, phường lâu nay thì họ báo cáo không phát hiện nhà giữ nhóm trẻ tự phát nào” – bà Anh khẳng định.
Ngược lại, ông Đặng Lợi – Chủ tịch UBND xã Phước Đồng – thừa nhận nhà giữ nhóm trẻ tự phát ở địa bàn “nhiều lắm”.
Minh chứng là mới đây, qua kiểm tra 4 nhà giữ trẻ tự phát, chính quyền xã phát hiện 2 nhà giữ trẻ hoạt động không phép. Các cơ sở này đều không trưng bảng hiệu, lén lút hoạt động trong các khu dân cư.
Phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng Nguyễn Tiến Luật cho biết xã đã lập biên bản đình chỉ hoạt động đối với 2 cơ sở này. Đó là nhóm trẻ gia đình Tiểu Quần Long ở thôn Phước Tân và nhóm trẻ gia đình Hòa Bình ở thôn Phước Thủy.
“2 nhóm trẻ này không đủ điều kiện để hoạt động như diện tích dành cho trẻ không đủ, giáo viên chưa đạt chuẩn… Tại thời điểm kiểm tra, 2 nhóm trẻ này đang nhận trông giữ khoảng 15 cháu. Riêng 2 nhóm trẻ còn lại, xã phải hướng dẫn làm thủ tục cấp phép hoạt động” – ông Luật thông tin.
Việc kiểm tra này đã “bỏ lọt” nhà giữ trẻ không phép của bà Luyến. “Lâu nay vẫn thường xuyên kiểm tra các nhà trẻ độc lập tư thục” – ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, thường xuyên kiểm tra, nhưng tại sao các nhà trẻ không phép vẫn hoạt động, trong khi một nhóm giữ trẻ gia đình muốn có trẻ phải được nhiều người đang nuôi con nhỏ biết đến, tìm đến, ông Khánh thừa nhận, nhu cầu cho các trẻ vào các trường công, mầm non công lập trên địa bàn thành phố hiện nay chỉ đạt 30%, còn lại chủ yếu vẫn là “bên ngoài”.
‘Khát’ nhà trẻ
Cháu Lâm Phước K. (trú phường Phước Long, TP.Nha Trang) năm nay lên 5 tuổi nhưng mọi sinh hoạt và tư duy của cháu chỉ như đứa trẻ lên 3. Hàng chục lần đưa con đi phẫu thuật não và đưa cháu từ cõi chết trở về, vợ chồng anh Lâm Phước Quang (nhân viên Công ty Rapeco Đại Nam, khu Công nghiệp Suối Dầu) vẫn còn ám ảnh mãi không thôi chuyện gửi con cho nhà trẻ tự phát.
UBND TP Nha Trang thăm hỏi, hỗ trợ gia đình cháu K. vào sáng 7/6. |
Hoàn cảnh khó khăn, anh Quang đi làm xa, vợ bệnh nên lúc cháu được gần một tuổi, anh chị phải gửi con cho một người trong xóm nhận trông trẻ.
Một ngày đón con về, thấy con không tập trung, khóc và lim dần, anh chị đưa lên bệnh viện thì nhận hung tin, cháu bị chấn thương sọ não nặng do va đập, máu tụ. Hỏi ra mới biết, ở điểm giữ trẻ, cháu té 3 ngày trước nhưng gia đình nhận trông trẻ đã giấu, không báo cho gia đình vì thấy cháu bình thường.
Cũng như gia đình anh Quang, hàng chục nghìn gia đình công nhân khác trên địa bàn Khánh Hòa đều chung nhu cầu gửi con. Một trong những lý do họ chọn gửi con ở các nhóm trẻ gia đình, dù biết ở đó có phép hay không là không cần thủ tục hộ khẩu và chủ động thời gian gửi cháu với đi làm.
Bà Huỳnh Thị Nam Khánh – Chủ tịch Công đoàn KCN-KKT tỉnh Khánh Hòa – cho biết trong số hơn 10.000 công nhân lao động đang làm việc tại các KCN-KKT trên địa bàn, nhưng hiện chỉ có nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ.
Năm 2017-2018, đơn vị thực hiện khảo sát về nhu cầu giữ trẻ tại KCN Suối Dầu thì đa số đều rất bức thiết việc gửi con tại nhà trẻ đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ cũng như điều kiện làm việc của bố mẹ.
Cụ thể, tổng số trẻ là con công nhân lao động đang làm việc tại KCN Suối Dầu sinh từ năm 2013-2017 là 708 cháu, trong đó gần 50 % (329/708 cháu) có nhu cầu được chăm sóc giáo dục…
CĐ KCN đã kiến nghị các cấp ưu tiên xây dựng nhà trẻ tại các KCN, các nơi tập trung nhiều công nhân lao động. Làm sao đó, các nhà giữ trẻ này linh động thời gian giữ trẻ, đáp ứng được thời gian ca kíp của bố mẹ. Đây là một trong những mối quan tâm lớn nhất của công nhân lao động khi đơn vị này thực hiện khảo sát.
Theo bà Khánh, do các nhà trẻ công và tư hiện nay đều gửi theo giờ hành chính, trong khi thời gian làm việc của bố mẹ có khi phải tăng ca, làm thêm nên việc đón con không theo giờ quy định được. Đây chính là lý do bố mẹ phải chọn gửi con ở các điểm giữ trẻ gia đình, dù biết ở đó nguy cơ không an toàn cho con là rất cao.
Cũng theo bà Khánh: “Vấn đề hộ khẩu là rào cản khiến cho việc gửi trẻ tại các trường công bị hạn chế. Vì thực tế, hiện nay phải có hộ khẩu thì các gia đình mới có thể gửi con vào các trường công, theo tuyến, nếu ở KCN mà như vậy thì rất khó. Vì vậy, trong đề án thành lập trường mầm non KCN Suối Dầu được UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT nghiên cứu triển khai, không nên nặng vấn đề phải có hộ khẩu”.
Sáng 7/6, bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa – cho biết đã nắm được thông tin vụ cháu bé tử vong tại cơ sở giữ trẻ chưa được cấp phép ở xã Phước Đồng qua báo chí và đang cho kiểm tra.
Bà Lý thừa nhận “thực trạng hiện nay, Khánh Hòa chỉ đủ phòng học cho trẻ mẫu giáo, thiếu phòng học cho trẻ 12-36 tháng tuổi”.
Thống kê năm học 2016-2017, toàn tỉnh chỉ có 166 phòng học cho trẻ ở độ tuổi này, tỉ lệ huy động trẻ 12-36 tháng tuổi chỉ đạt 22,1%, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước, mặc dù ngành giáo dục rất muốn nhận, giáo viên không thiếu, nhưng thiếu phòng học thì không nhận được
Vì vậy, các nhà trẻ chưa được cấp phép vẫn có. Dù công tác kiểm tra thường xuyên, nhưng nhiều nơi chưa đạt diện tích độ an toàn thì họ đã làm, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản, kinh phí hạn chế… Họ đã làm để trông giữ hơn là nuôi và giáo dục trẻ.
Tháng 8/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành đề án “Tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên huy động trẻ mầm non từ 12-26 tháng đến trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020”. Theo đó, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh xây dựng 314 phòng học để nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp lên 30%.
Theo: Zing News