Trong căn nhà nhỏ ở ngõ phố Hà Nội 8 năm trước, chúng tôi đã may mắn được nghe giáo sư Hoàng Tụy kể về tuổi thơ và hành trình theo đuổi tri thức của mình, giữa những hơi thở đôi khi hơi khó nhọc vì sức khỏe đã giảm sút. Hình ảnh vị giáo sư tóc bạc phơ, nhân từ và hiền hậu, cho đến tận những khi tuổi già sức yếu vẫn luôn trở trăn vì giáo dục nước nhà đã mãi in đậm trong tâm trí tôi.

Nhà khoa học được cả thế giới vinh danh ấy, lại rất đỗi giản dị, mộc mạc, thân thiện và gần gũi. Ông đã trưởng thành từ tuổi thơ khó nhọc, đi qua những trận ốm thập tử nhất sinh, nhưng luôn nỗ lực không ngừng trên con đường học tập. Không được đến trường thì tự học, liên tục học vượt lớp, vượt cấp. Và từ cậu học sinh xuất sắc về môn văn, ông lại chuyển hướng đam mê sang môn toán, rồi trở thành “cha đẻ của ngành toán tối ưu toàn cục.”

Dưới đây, phóng viên xin ghi lại những chia sẻ của giáo sư Hoàng Tụy về hành trình của cuộc đời mình.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Tuổi thơ tôi là những chuỗi ngày đầy khó khăn. Khi được hai, ba tuổi, tôi ốm thập tử nhất sinh. Năm tôi bốn tuổi thì bố mất, trước khi mất ông cũng đau ốm liên miên.

Gia đình tôi có anh cả là giáo viên dạy trung học nhưng tham gia phong trào yêu nước của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu nên bị cách chức, sa thải.

Bố mất, anh là trụ cột lại thất nghiệp. Anh liền trước tôi lúc đó mới 6 tuổi. Tôi còn có hai em, một đứa hai tuổi, một đứa còn trong bụng mẹ. Nhà bao nhiêu miệng ăn nhưng đều trông chờ vào mẹ xoay sở nên vô cùng túng bấn. Thành ra một thời gian sau, lúc 6 tuổi, tôi phải vào Nha Trang ở với anh thứ hai, sau đó lại vào Sài Gòn ở với anh cả, rồi lại về quê.

Học hành vì thế cũng thay đổi liên tục nhưng may là tôi sáng dạ, tuy sức khoẻ không tốt.

Còn nhớ một lần tôi thi trượt bằng yếu lược. Hồi đó, bậc tiểu học học 6 năm, ba năm ấu dự bị thi bằng yếu lược, sau đó học thêm ba năm nữa thi bằng tiểu học, rồi học 4 năm nữa lấy bằng thành chung. Tiếp đó học ba năm nữa mới là tú tài.

Tôi học ở Sài Gòn trường tư, lớp dự bị (lớp 2). Phải lớp 3 mới thi yếu lược nhưng anh tôi thấy học khá nên cho tôi đi thi yếu lược luôn. Nhưng mà tôi trượt. Tất cả các môn thi đều qua, trừ môn ám tả, giờ gọi là chính tả, thì trượt. Bài thi có đoạn viết về hai con đường, trong đó có câu: một đường rộng rãi thênh thang, một đường quanh co khúc khuỷu. Từ khuỷu tôi không biết viết thế nào, thế là trượt.

Sau đó về quê tôi học lớp nhất tiểu học. Tôi may mắn học Trường tiểu học Bảo An, là quê hương của nhiều người nổi tiếng như ông Phan Khôi. Tôi được may mắn học với những người thầy như Lê Trí Viễn, sau này là giáo sư văn học hàng đầu. Trường tiểu học đó còn có thầy Khương Hữu Dụng là nhà thơ nổi tiếng. Nhờ học những ông thầy đó, tôi đã tiếp thu được rất nhiều tri thức.

Mặc dù ở quê, nhưng tôi học khá nên đã nộp đơn dự thi vào Trường Quốc học Huế. Cả Trung kỳ khi đó chỉ có một Trường Quốc học Huế nên thi rất khó. Tôi cũng thi đại thôi, nhưng lại đỗ cao.

Trường khó đỗ vào nên để cố có tên trong trường phần lớn học sinh trước khi thi vào lớp nhất niên thì đã học lớp nhất niên ấy ở trường tư, số còn lại thì thường là con ông cháu cha. Do đó, sau khi đỗ vào Trường Quốc học Huế rồi, tôi chỉ là học sinh rất bình thường, trung bình, thậm chí dưới trung bình vì trong lớp toàn người học rồi.

Được một năm rưỡi thì tôi bị ốm một trận nặng, liệt cả chân tay. Mẹ tôi đã khóc cạn nước mắt, bà nghĩ không thể cứu được tôi. Nhìn tôi nằm bẹp trên giường, bà đồ rằng tôi có sống thì cũng bị tật suốt đời. Tôi ở nhà một năm, nửa năm nằm, nửa năm dưỡng. Đó là một năm rủi nhưng nó lại có một cái may. Nửa năm ốm ly bì, nửa năm hồi phục, trong nhà các anh tôi đi dạy nên có nhiều sách. Tôi lấy sách ra tự học. Tình thế bắt buộc như thế. Tôi có dịp suy nghĩ về nhiều điều và hình thành mơ ước. Chính trong thời gian đó tôi nảy sinh tình yêu với toán và mơ ước làm khoa học.

Tụt lại một năm so với bạn bè, tôi tiếp tục nửa năm còn lại của lớp nhị niên, học tiếp nửa năm nữa tam niên. Tôi học trội lên hẳn, rất xuất sắc nên được học bổng toàn phần. Học bổng này rất khó vì mỗi tháng được tới 12 đồng Đông Dương trong khi ăn cơm tháng chỉ mất có ba đồng, một bát phở rất ngon giá có ba xu, vào ở ký túc xá không mất tiền.

Nhưng do ốm liên miên nên tôi bỏ học bổng, xin ra trường tư học. Đây cũng là việc hiếm có hồi đấy vì người ta từ trường tư tìm cách vào trường công, mình ngược dòng, trường công có học bổng lại xin sang trường tư.

Nhưng ra tường tư tôi lại có may mắn học được những người thầy như thầy Hoài Thanh, Cao Sỹ Huy… Hồi đó tôi rất xuất sắc về văn, nhất là văn học Pháp. Lên đến năm tứ niên, năm cuối cùng của bậc cao đẳng tiểu học, tôi gặp một ông thầy dạy văn tôi không thích. Tôi xin đổi qua lớp mà cụ Cao Xuân Huy dạy văn, nhưng không được chấp nhận, tôi bỏ sang trường khác.

Ban đầu tôi định bỏ một lớp, tức bỏ kỳ thi thành chung, định vào thẳng tú tài nhưng anh tôi khuyên nhảy luôn một lớp tú tài, thế là tôi nhảy hai lớp, vào năm thứ hai tú tài luôn. Trong nửa tháng, tôi phải học chương trình của hai năm ấy, chỉ học toán vì văn tôi khá.

Một tháng đầu thì tôi cũng đuối, bài làm chỉ đạt 6/20 điểm. Nhưng sau 2, 3 tháng thì tôi đuổi kịp. Ban đầu tôi nghĩ, thi nếu trượt học lại một năm thì vẫn còn lãi, nhưng cuối năm tôi lại đỗ cao tú tài phần thứ nhất.

Sau đó tôi về quê một thời gian, rồi ra Huế tự học, đăng ký theo diện thí sinh tự do tú tài phần hai. Tôi cũng ít hy vọng mình đỗ tú tài toán, nhưng tôi lại đỗ đầu.

Tôi ấn tượng nhất về toán với Thầy Nguyễn Dương Đôn. Tôi hâm mộ thầy cả về chuyên môn và đạo đức. Thầy dạy văn ấn tượng với tôi là thầy Hoài Thanh, khi đó thầy đang soạn quyển Thi nhân Việt Nam. Văn thường chỉ 6, 7 điểm đã rất tốt, nhưng tôi thường được thầy cho 8,5 điểm. Thầy Hoài Thanh nghĩ tôi sẽ theo về văn.

Tôi thích văn, giỏi văn tiếng Pháp. Nhưng ước mơ của tôi về toán đã lớn dần lên từ khi tôi bị ốm.

Ở Hà Nội có trường Cao đẳng Khoa học dạy cử nhân khoa học. Năm 1946, tôi ra Hà Nội học được hơn một tháng. Gọi là cao đẳng nhưng toàn giáo sư giỏi dạy. Được một tháng thì trường đóng cửa do Pháp đánh. Tôi lại về quê. Trước khi về, bao nhiêu tiền còn lại tôi dồn để mua sách.

Năm 1947, tôi về dạy Trường Lê Khiết ở Quảng Ngãi, là một trường nổi tiếng. Vừa dạy, tôi vừa tự học chương trình dành cho cử nhân.

Đến năm 1949, tôi được tin ở miền Bắc có tổ chức kỳ thi toán học đại cương. Tôi làm đơn xin thi. Ở Trung ương đồng ý cho tổ chức một hội đồng giám thị riêng ở Bình Định, chỉ có hai người thi, tôi và một người nữa, nhưng kỳ thi vẫn được tổ chức chặt chẽ. Chủ tịch hội đồng là ông Đinh Thành Chương, là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến tỉnh. Buổi thi được canh gác chặt chẽ. Bài thi được niêm phong gửi ra Hà Nội chấm. Sáu tháng sau tôi mới nhận được kết quả đỗ loại ưu.

Năm 1951, tôi được tin ông Lê Văn Thiêm là tiến sỹ toán học đầu tiên ở Pháp về, mở lại trường đại học ở Việt Bắc. Tôi xin ra Bắc để học. Tôi đi bộ từ Quảng Ngãi ra Bắc. Nhưng đi đến Thanh Hoá thì hết tiền. Tôi phải dạy tư ở Thanh Hoá hai tháng kiếm tiền đi tiếp ra Việt Bắc.

Đến nơi thì ông Nguyễn Khánh Toàn, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nói trường đại học đó không có nữa, mà có trường trường trung cấp sư phạm nhưng đã dời sang Nam Ninh, Trung Quốc. Kiểm tra kiến thức toán của tôi, ông Toàn bảo: Thôi anh qua đó dạy trường trung cấp sư phạm, ở đó có tiến sỹ Thiêm. Thế là, từ một người chủ tâm đi học, tôi lại làm thầy. Từ muốn làm học trò của tiến sỹ Lê Văn Thiêm, giờ tôi lại là đồng nghiệp.

Dạy sư phạm trung cấp, tôi mua sách tiếng Nga, nhưng tôi không biết tiếng Nga. Tôi quay sang tự học tiếng Nga. Mua một quyển học tiếng Nga giao tiếp, tôi chỉ đọc văn phạm, học mấy từ cơ bản, còn tôi mua sách toán đọc. Chữ nào cũng phải tra. Tra từ nào biết nghĩa từ đó nhưng muốn hiểu nghĩa cả câu phải học văn phạm. Mười mấy trang đầu trang nào cũng tra từng từ. Nhưng do từ toán cứ lặp đi lặp lại nên độ ngoài 20 trang, tôi không phải tra nữa. Cứ thế, tôi tự học.

Đến năm 1955, Bộ Giáo dục thấy tôi có nghiên cứu hiểu biết nhiều về giáo dục, là giáo viên xuất sắc, Bộ giao cho phụ trách cải cách giáo dục. Hồi đó vùng bị chiếm học 12 năm, vùng tự do học 9 năm, phải soạn chương trình thống nhất.

Năm 1956, tôi về dạy trường đại học. Năm 1957, tôi sang Liên Xô. Lúc đầu, tôi chỉ trong đoàn học tập để nâng cao trình độ, học một năm rồi về. Nhưng trong thời gian đó tôi lại làm được mấy công trình nghiên cứu nên họ giữ ở lại, học tiến sỹ.

Những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta có phong trào các nhà khoa học đi vào thực tế. Lúc đó các anh em làm toán rất lúng túng vì không biết đưa vào cách nào. Tôi đã suy nghĩ và phát kiến ra “vận trù học.” Đây là một ngành khoa học dùng phương pháp tối ưu để phân tích tìm ra được những giải pháp tốt nhất trong nhiều tình huống.

Sáng kiến được áp dụng đầu tiên vào ngành giao thông vận tải. Có những xe tải đi lại trả hàng, trong nhiều hành trình, có rất nhiều đoạn xe tải phải đi không để đến nơi lấy hàng nên rất lãng phí thời gian. Chúng tôi đã tính toán để điều hành các xe rút bớt được quãng đường đi không, tiết kiệm được rất nhiều.

Chính trong khi làm công tác vận tải tôi đã nảy ra một bài toán gọi là “quy hoạch lõm.” Hồi đó cũng rất may mắn, tôi đã đề xuất được một phương pháp giải, đó là bài toán đầu tiên về tối ưu toàn cục, lĩnh vực mà các nhà toán học thế giới khi đó cũng đang tìm cách giải. Năm 1964, tôi trình bày tại hội thảo của L. V. Kontorovitch, nhà toán học Liên Xô được giải thưởng Nobel kinh tế, về cách giải một trong những bài toán cơ bản nhất của tối ưu toàn cục: Bài toán tìm cực tiểu một hàm lõm trên một tập đa diện lồi giới nội.

Lâu nay, người ta vẫn nói là những vấn đề khoa học mới chỉ có thể nảy sinh ở những nước phát triển, còn những nước chậm phát triển thì không thể. Nhưng đây lại là trường hợp ở một nước chậm phát triển đã giải quyết được một bài toán mà các nước phát triển đã phát sinh nhưng chưa giải quyết được.

Ngày đó, điều kiện đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, lại có những quan niệm về khoa học khác nhau. Ban ngày lên lớp dạy, tránh máy bay, ban đêm thì thắp đèn dầu làm việc.

Tôi cũng ngạc nhiên, không hiểu trong điều kiện như thế mà tôi lại có thể tìm ra và hoàn thành công trình đầu tiên mang tên tối ưu toàn cục.

Tháng Chín năm 2011, tôi vinh dự là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng. Khi nhận được giải thưởng này, tôi không ngạc nhiên, vì đóng góp của tôi cho ngành toán tối ưu thì mọi người đều đã biết.

Tôi cũng đã nhiều lần được vinh danh như năm 1997, khi tôi tròn 70 tuổi, Viện Công nghệ Linköping của Thụy Điển đã tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề “Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục” để tôn vinh tôi, người có công trình tiên phong trong lĩnh vực này. Năm 2007, nhân dịp tôi tròn 80 tuổi, một hội nghị quốc tế về “Quy hoạch không lồi” đã được tổ chức ở Pháp để ghi nhận những đóng góp tiên phong của tôi trong lĩnh vực này nói riêng và ngành toán tối ưu toàn cục nói chung.

Chính vì vậy, khi xét giải thưởng Constantin Caratheodory trao cho người có nhiều đóng góp nhất trong ngành toán tối ưu thì người ta nghĩ đến tôi, vì tôi là người sáng lập ra ngành và có những đóng góp cơ bản nhất cho ngành.

Điều này cũng không mang cho tôi nhiều vinh dự mới. Trái lại, nó lại khiến tôi buồn hơn. Buồn vì đây là ngành có quê huơng tại Việt Nam, Việt Nam là nước có những đóng góp cơ bản và sơ khai nhất về nó, trải qua 40 năm, nó đã được áp dụng khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, trong khi đó, ở Việt Nam, lại không phát triển vì nhiều lý do, dù chúng tôi đã rất cố gắng.

Nếu có gì có thể nói là kinh nghiệm cho người trẻ, thì thứ nhất là phải có một đam mê thực sự, có mơ ước, luôn luôn cố gắng thực hiện. Dù hoàn cảnh khó khăn, có rủi ro, không thuận lợi, nhưng có khi lại thành cái thuận lợi.

Thứ hai nữa là phải có niềm tin. Đó là phẩm chất rất quan trọng của người làm khoa học. Phải tin việc mình làm không vô ích. Trong cuộc đời mình, có nhiều khi gặp những trở ngại, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tuy không khí nơi mình làm nhiều khi không thuận lợi nhưng ở đâu đó vẫn có sự nâng đỡ.

Nếu tôi muốn bỏ, muốn ở lại nước khác để làm việc thì có rất nhiều nơi mời chào tôi ở lại với điều kiện vật chất, nghiên cứu tốt. Nhưng tôi từ chối. Mãi đến khi thôi vị trí Viện trưởng Viện Toán, tôi mới đi hầu hết các nước, qua Áo, Canada, Thuỵ Điển, Pháp, Nhật Bản, Úc…. Trong đó, nơi tôi ở lâu nhất là ở Thuỵ Điển, trong thời gian hai năm.

Giáo sư Hoàng Tụy sinh ngày 17/12/1927, tại làng Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam.

Năm 1954, ông dạy toán tại Trường Đại học Khoa học, sau là Đại học Tổng hợp.

Năm 1959, ông là một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ khoa học toán – lý tại Đại học Lomonosov tại Moskva.

Năm 1964, ông đã đưa ra phương pháp lát cắt độc đáo, có khả năng ứng dụng rất đa dạng, không những để giải nhiều bài toán tối ưu toàn cục (những bài toán “khó về bản chất,” trước đó chưa ai giải được), mà còn để giải những bài toán quy hoạch tổ hợp. Phương pháp do Hoàng Tụy đề xuất về sau được giới toán học quốc tế gọi là “lát cắt Tụy” (Tuy’s cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết Tối ưu toàn cục.

Nhiều phát minh đặc sắc của ông về sau được giới toán học quốc tế gọi là Thuật toán kiểu Tụy, Điều kiện không tương thích Tụy… Cuốn sách “Tối ưu toàn cục tiếp cận xác định” mà giáo sư Hoàng Tụy viết chung với giáo sư Reiner Horst được đánh giá là cuốn “kinh thánh” của chuyên ngành tối ưu toàn cục.

Từ năm 1980 đến 1990, ông là Viện trưởng Viện Toán học.

Năm 1996 ông vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1.

Năm 1997, Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển) đã tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề “Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục”, được tổ chức để tôn vinh Giáo sư Hoàng Tụy nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi.

Năm 2007, một hội nghị quốc tế về “Quy hoạch không lồi” đã được tổ chức ở Rouen, Pháp để ghi nhận những đóng góp tiên phong của Giáo sư Hoàng Tuỵ cho lĩnh vực này nói riêng và cho ngành Tối ưu Toàn cục nói chung nhân dịp ông tròn 80 tuổi.

Năm 2010, ông nhận giải thưởng Phan Chu Trinh.

Tháng 9 năm 2011, Giáo sư Hoàng Tụy vinh dự là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này.

Giáo sư Hoàng Tụy cũng là người nổi tiếng vì có nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, sắc sảo với mong muốn phát triển giáo dục Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Tụy đã qua đời lúc 15 giờ 30 phút, ngày 14/7 ở tuổi 92.

Theo: Viet Nam Plus