Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Góp vốn đầu tư để hợp thức hóa lao động trái phép

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp (DN) ở Khánh Hòa nhưng không chấp hành các quy định pháp luật. Việc góp vốn, mua cổ phần không chỉ nhằm kinh doanh mà còn để xin thẻ tạm trú, hợp thức hóa việc lao động trái phép…  

Nhiều sai phạm

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa kiểm tra việc chấp hành pháp luật về góp vốn, mua cổ phần tại 8 DN có nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Nga, Ukraine. Kết quả kiểm tra cho thấy, cả 8 đơn vị này đều có sai phạm. Các DN này không có đủ giấy tờ theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, các nội dung giải trình rất sơ sài, thiếu thông tin. Thậm chí có những DN chỉ tồn tại trên giấy tờ, khi cơ quan chức năng kiểm tra tại địa chỉ đăng ký kinh doanh thì không có, số điện thoại không thể liên lạc được.

Một doanh nghiệp sai phạm trong việc góp vốn.

Một thực trạng đáng báo động, dường như sự góp vốn, mua cổ phần chỉ là hình thức, phía sau đó là chiêu trò lách luật của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 8 DN bị kiểm tra, có đến 7 đơn vị thừa nhận người Việt Nam chỉ đứng tên giúp thành lập DN, còn DN làm gì, nhân sự thế nào thì người đại diện Việt Nam không hề hay biết, thậm chí có người cùng một lúc đứng đại diện nhiều công ty. Như trường hợp bà Trần Thị Thanh Hải, cùng lúc đại diện cho Công ty TNHH Los – Info (phòng 303, 30A Hoàng Hoa Thám, TP. Nha Trang) và Công ty TTHH Teremok (120/29 Nguyễn Thiện Thuật, TP. Nha Trang). Bản thân số vốn góp cũng như việc chuyển nhượng cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài cũng mang tính hình thức, không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, nên cơ quan chức năng không thể kiểm soát được nguồn vốn thực sự mà nhà đầu tư góp vào các DN.

 Kiểm tra tại Công ty TNHH Los – Info và Công ty TNHH Teremok, DN không cung cấp được hồ sơ góp vốn. Các công ty còn lại thì sử dụng hình thức chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của DN, góp bằng tiền mặt… Điều này không có gì để đảm bảo việc góp vốn có thực sự diễn ra hay không, hay chỉ là hình thức để các nhà đầu tư đưa người nước ngoài vào cư trú và lao động tại Việt Nam?

 Ông Trần Minh Hải – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Căn cứ vào Pháp lệnh Ngoại hối và Thông tư 05/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam thì việc góp vốn tại 8 DN đã kiểm tra là không đúng quy định. Các đơn vị này cũng không báo cáo danh sách người nước ngoài đang làm việc tại DN với cơ quan xuất nhập cảnh. Một số DN thành lập từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa phát sinh doanh thu, chi phí”.  

 
Bên cạnh đó, còn có những DN đăng ký một đường nhưng kinh doanh một nẻo, như Công ty TNHH One Two Go của nhà đầu tư Trung Quốc ( phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang). Trong giấy phép kinh doanh, DN này đăng ký làm dịch vụ xếp chỗ khách sạn, nhưng thực tế lại chuyên đi mua bán buồng phòng để kiếm tiền chênh lệch. Ngoài ra, có DN góp vốn thành lập nhưng không hoạt động mà kinh doanh ở bên ngoài và trốn thuế.

Sẽ xử lý quyết liệt

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đăng ký DN từ tháng 7-2015 đến tháng 12-2017, hiện nay Khánh Hòa có 173 DN có góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Tuy mới kiểm tra 8 DN nhưng đã phát hiện hàng loạt sai phạm. Nếu kiểm tra tất cả 173 DN thì mức độ sai phạm sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo: Cục Thuế tỉnh rà soát lại hoạt động của 173 DN góp vốn nước ngoài trên địa bàn tỉnh; giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra vấn đề lao động ở các DN này và đề xuất hướng xử lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo quy chế phối hợp giữa các ngành và huyện, thị xã, thành phố về vấn đề liên quan đến góp vốn nước ngoài trước ngày 30-6.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hải – Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh cho biết: “Thông thường, những nhà đầu tư nước ngoài khi có giấy chứng nhận góp vốn, mua cổ phần thì cơ quan xuất nhập cảnh sẽ cấp thẻ tạm trú có thời hạn từ 1 đến 5 năm và được xuất nhập cảnh nhiều lần không cần visa. Đây chính là điểm mà các nhà đầu tư thường lợi dụng vào việc góp vốn. Có rất nhiều DN với nhiều cổ đông nhưng vốn điều lệ chỉ có khoảng 100 triệu đồng. Họ thành lập DN với mục đích được cấp thẻ tạm trú, sau đó làm việc khác hoặc đi nơi khác làm việc. Đã có không ít DN góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài thành lập nhưng không hoạt động, hoặc thành lập xong rồi chuyển đi nơi khác”.

Bà Trịnh Thị Hợp – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay, sở đã cấp 926 giấy phép lao động cho người nước ngoài còn hiệu lực, trong đó có 274 đối tượng là các thành viên góp vốn thuộc diện không cần cấp phép, chỉ làm giấy chứng nhận. Ở đây có một điều bất cập là Nhà nước không có quy định góp vốn bao nhiêu mới được miễn giấy phép lao động. Đây chính là điểm mà người nước ngoài lợi dụng để góp vốn nhằm hợp thức hóa việc lao động ở Việt Nam. Thực tế đã có không ít người nước ngoài chỉ góp vốn 3 đến 5 triệu đồng và họ nghiễm nhiên thuộc diện không cần cấp phép. Để hạn chế tình trạng này, mới đây, sở đã đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội điều chỉnh quy định về việc góp vốn bao nhiêu thì mới được miễn cấp phép lao động”.

 Theo ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch, mới đây, Sở kiểm tra 11 trường hợp thì phát hiện nhà đầu tư góp vốn thành lập công ty nhưng không làm gì cả. Các thành viên góp vốn ra bên ngoài kinh doanh buồng phòng, hoạt động các lĩnh vực khác. Khi thực hiện góp vốn, họ vừa hợp thức hóa việc lao động trái phép, vừa trốn thuế. Vì thế, với các DN khi thành lập nhưng không phát sinh doanh thu thì sẽ không cấp phép lao động, thu hồi thẻ tạm trú. Đối với những DN đầu tư nước ngoài có hành vi trốn thuế, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan xử lý quyết liệt.

Đình Lâm

Theo: Báo Khánh Hòa