Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) vịnh Cam Ranh đến năm 2020, khu vực vịnh Cam Ranh (gồm TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm) đã đạt được một số kết quả cơ bản nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Kết quả khả quan

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư, những năm gần đây KT-XH của TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Về phát triển công nghiệp, trên địa bàn huyện Cam Lâm có Khu công nghiệp Suối Dầu đã lấp đầy 88,8% với 55 dự án có tổng vốn đăng ký lên đến 228,5 triệu USD. Cụm công nghiệp Trảng É 1 cũng đã hoàn thành san lấp mặt bằng và đang triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Các dự án hạ tầng Cụm công nghiệp Trảng É 2, Trảng É 3, Tân Lập và Nam Cam Ranh đang được các địa phương tích cực kêu gọi nhà đầu tư có năng lực. Riêng Khu công nghiệp Nam Cam Ranh sau khi thu hồi từ Công ty TNHH Tàu thủy Cam Ranh, dự án đang được Tập đoàn Becamex Bình Dương đề xuất nghiên cứu đầu tư theo mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ – cảng biển.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Vịnh Cam Ranh nhìn từ trên cao.

Vịnh Cam Ranh nhìn từ trên cao.

Ngoài ra, thời gian gần đây, trên địa bàn hai địa phương này xuất hiện nhiều doanh nghiệp xin đầu tư dự án điện mặt trời. Đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt 7 dự án bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 – 2025, xét đến năm 2030. Tiêu biểu nhất có Nhà máy điện mặt trời Tuấn Ân (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) có công suất 10MWp đang thi công, dự kiến đóng điện vào cuối năm 2018.

Ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết, bên cạnh công nghiệp, khu vực vịnh Cam Ranh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Khởi sắc nhất là Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã thu hút được 45 dự án đầu tư, trong đó có 7 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động với quy mô lên đến 3.600 phòng từ 3 đến 5 sao đang khai thác, góp phần quan trọng phát triển du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, Nhà ga hành khách quốc tế đi vào hoạt động cùng với đường băng số 2 Sân bay quốc tế Cam Ranh đang gấp rút hoàn thành sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phát triển trong tương lai.

Tìm giải pháp gỡ khó

Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức họp với hai địa phương và các đơn vị liên quan để tìm giải pháp gỡ khó, thúc đẩy KT-XH tại khu vực vịnh Cam Ranh phát triển.

Vịnh Cam Ranh nhìn từ trên cao.

Vịnh Cam Ranh nhìn từ trên cao.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh rộng gần 1.500ha, nhiều năm nay nhà đầu tư không triển khai khiến TP. Cam Ranh không thể phát triển, không kêu gọi được nhà đầu tư khác. Bên cạnh đó, Quyết định 44 của Chính phủ đã ban hành nhưng việc phân định ranh giới khu vực quốc phòng và khu vực dân sự chưa rõ ràng khiến địa phương khó khăn trong phát triển kinh tế. Ngoài ra, địa giới hành chính trên biển với tỉnh Ninh Thuận nhiều năm nay chưa được thống nhất. Tàu bè không đăng kiểm đi lại trên biển nhưng hai tỉnh khó phối hợp quản lý. Trong khi đó, theo ông Lương Dự – Bí thư Huyện ủy Cam Lâm, hạ tầng của huyện còn hạn chế nên KT-XH khó phát triển. Ông Dự cũng kiến nghị tỉnh sớm thi công Tỉnh lộ 3, đồng thời có kế hoạch di dời Nhà máy Đường Cam Ranh ra khỏi địa phương vì quá ô nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, Tỉnh lộ 3 lúc đầu triển khai đầu tư theo hình thức BT nhưng sau đó chuyển sang đầu tư công nên đang làm lại thủ tục. Bên cạnh đó, sở đang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí kinh phí nạo vét luồng lạch cảng Cam Ranh để phát huy tối đa nguồn lực tại địa phương này. Về các dự án chậm tiến độ tại TP. Cam Ranh, ông Lê Văn Dẽ – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “TP. Cam Ranh có khoảng 25 dự án đang triển khai nhưng các dự án lớn đều ì ạch, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Nếu chủ đầu tư dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh không thực hiện thì đề nghị tỉnh thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác”.

Ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, vốn đầu tư công không thể cấp nhiều hơn được nên Cam Ranh và Cam Lâm cần tích cực thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng. Thời gian tới, tỉnh sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng để làm rõ, thống nhất ranh giới nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực vịnh Cam Ranh. Riêng dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, tỉnh sẽ làm việc với nhà đầu tư để thống nhất khu vực nào không làm thì trả lại cho TP. Cam Ranh kêu gọi nhà đầu tư khác.

VĂN KỲ

Theo: Báo Khánh Hòa