Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững

Nhiệm kỳ 2013 – 2018, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tại TP. Nha Trang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là một trong những điểm sáng của Hội Nông dân TP. Nha Trang trong nhiệm kỳ qua.

Nhiều mô hình hiệu quả

Trong nhiệm kỳ, đã có 21.085 lượt nông dân Nha Trang đăng ký thi đua SXKD giỏi các cấp, đạt 72,8% so với tổng số hộ nông dân (vượt 12,8% so với Nghị quyết Đại hội). Phong trào đã tạo được sức lan tỏa cũng như không khí thi đua sôi nổi. Mỗi hộ nông dân đều nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Đã có tới 20.780 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, bằng 98,5% so với hộ đăng ký và vượt 48,5% so với Nghị quyết Đại hội.

Chăm sóc hoa lan ở xã Vĩnh Thạnh.

Điều quan trọng là thông qua phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân SXKD giỏi tiêu biểu, có thu nhập cao, có tinh thần trách nhiệm với phong trào và xây dựng tổ chức hội. Tiêu biểu là mô hình khai thác đánh bắt hải sản của hội viên Nguyễn Tấn Lầu (ở phường Vĩnh Phước), Nguyễn Văn Trường (phường Vĩnh Thọ); trồng rau VietGAP của hội viên Nguyễn Văn Phúc (xã Vĩnh Phương); trồng cây cảnh của hội viên Phạm Văn Đông (phường Phước Hải); kinh tế kết hợp vườn ao chuồng của hội viên Phùng Anh Dũng (xã Phước Đồng); nuôi gà công nghiệp của hội viên Phan Văn Sơn (xã Vĩnh Hiệp); trồng hoa lan của hội viên Trần Thanh Sơn (xã Vĩnh Thạnh). Đó còn là mô hình cây cảnh, gỗ lũa nghệ thuật, làm bánh tráng ở Phước Đồng; khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản rong mơ ở phường Vĩnh Thọ; làm chả giò ở phường Vĩnh Hòa; trồng rau an toàn ở xã Vĩnh Thạnh; nuôi gà cảnh ở phường Vĩnh Phước; chế biến nước mắm, chế biến chả cá và sơ chế hải sản khô ở phường Vĩnh Trường; trồng nấm ở xã Vĩnh Trung…

Các mô hình này được xây dựng, phát triển trên cơ sở kế thừa những ngành nghề truyền thống, đồng thời áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, qua đó nâng tầm quy mô và đặc biệt là có sự liên kết với thị trường. Chẳng hạn như nghề trồng rau đã phát triển từ lâu đời ở một số xã vùng ven Nha Trang, nhưng cùng với việc đưa vào các giống rau mới, phương pháp canh tác theo hướng an toàn, GAP đã được áp dụng ngày một nhiều hơn. Hoặc như việc đánh bắt, chế biến thủy hải sản vốn là ngành nghề đã hình thành và phát triển từ hàng trăm năm nay, nhưng theo thời gian, cả về phương pháp đánh bắt cho đến công nghệ bảo quản và phương thức vận chuyển đều đã thay đổi nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Phát huy tinh thần tương ái, đoàn kết

Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần ngày một cao hơn, các nông dân SXKD giỏi còn tích cực tham gia phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo. 5 năm qua, hội đã vận động hội viên nông dân đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống được hơn 300 triệu đồng, 1.770 ngày công lao động, hơn 20 tấn lúa giống, 9.800 cây, con giống và hướng dẫn về kỹ thuật, tín chấp với các ngân hàng tạo vốn cho 1.720 hộ nông dân nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, ủng hộ nông dân miền Trung bị hạn hán, xâm nhập mặn, cá chết do Trung ương Hội phát động với số tiền 40,583 triệu đồng; xây dựng Quỹ xóa nhà tạm, Quỹ ủng hộ nông dân gặp khó khăn, thiên tai với số tiền 71,42 triệu đồng để xây nhà cho hội viên nông dân nghèo; thành lập mới 25 tổ hợp tác, vượt 68,8% so với Nghị quyết Đại hội, nâng tổng số tổ hợp tác trong toàn thành phố lên 40 và 2 hợp tác xã. Hơn 75% số tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/thành viên/tháng, điển hình như: Tổ hợp tác trồng cây cảnh (xã Phước Đồng, phường Phước Hải), Tổ hợp tác nghề mộc ở phường Phước Long…

Thời gian tới, Hội Nông dân TP. Nha Trang sẽ tập trung vận động hội viên tham gia sản xuất, kinh doanh các loại nông sản an toàn, chất lượng cao; các ngành nghề đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, thân thiện với môi trường và gắn với phục vụ du lịch.

C.Định

Theo: Báo Khánh Hòa