Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Giúp người ra tù tái hòa nhập cộng đồng: Nhiều cách làm hiệu quả

Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể phối hợp quản lý, giúp người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là người ra tù) tái hòa nhập cộng đồng, góp phần làm chuyển biến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong tỉnh.   

Hỗ trợ tái hòa nhập  

Sau khi được đặc xá trở về địa phương, với sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần của chính quyền, công an, các đoàn thể, anh T.M.Q (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) đã có thêm nghị lực trồng rừng, thu nhập hàng năm 70 – 100 triệu đồng. Chị N.T.M.L (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) sau khi mãn hạn tù cũng được vay 40 triệu đồng từ quỹ hội phụ nữ xã và ngân hàng chính sách xã hội để thu mua nông sản. Nhờ đó, không chỉ có cơ ngơi kha khá, hiện nay, chị còn tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tương tự, cũng nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, đoàn thể và được địa phương giúp đỡ vay vốn, cộng với tiền tích cóp làm thuê ở các công trình xây dựng, anh N.A.T (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) đã vượt qua mặc cảm, mạnh dạn mở cửa hàng chuyên cung cấp máy nước nóng, điện nước dân dụng, thạch cao. Sau 5 năm, bây giờ, anh T. đã có cuộc sống ổn định, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập 4 – 5 triệu đồng/người/tháng và không còn bị bạn bè né tránh.

Anh T.V.B (phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) nhớ lại, năm 2011, khi mới ra tù, về lại địa phương, anh rất e ngại, tránh tiếp xúc. Các cựu chiến binh (CCB) và công an phường đã chủ động tới nhà động viên, hỏi han tâm tư, tìm hiểu hoàn cảnh. Biết anh có nghề đông y gia truyền, mọi người động viên anh mở một quầy thuốc đông y nhỏ, hàng ngày khám, bốc thuốc chữa bệnh. Ông Nguyễn Ngọc Nhân – Chủ tịch Hội CCB phường cho biết: “Quầy thuốc này còn đặc biệt ưu tiên người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân thuộc diện nói trên đều được anh B. khám bệnh, bốc thuốc miễn phí”. Còn anh N.Q.D., mỗi lần gặp các cô chú ở phường Vạn Thắng lại bảo, nếu ngày mới ra tù không được các CCB và công an phường động viên, giới thiệu vào làm tại một salon xe máy thì không biết cuộc sống của anh ra sao.

Công an và Hội Cựu chiến binh phường Vạn Thắng trao đổi thông tin hỗ trợ người mới ra tù

Phát huy hiệu quả

Trung tá Vũ Thế Trọng – Trưởng Công an phường Vạn Thắng cho biết, đầu năm 2009, phường có 13 đối tượng hình sự, 15 người nghiện ma túy, chưa kể một số đối tượng cộm cán mới mãn hạn tù. Tháng 3-2010, sau khi mô hình “Thắp sáng niềm tin” chính thức triển khai, Công an phường đã phối hợp Hội CCB phường thực hiện 3 nội dung: quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng; giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự và nắm tình hình. Hai lực lượng cùng xuống cơ sở tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh từng đối tượng và động viên, giúp họ tái hòa nhập; đồng thời thường xuyên gọi hỏi, răn đe, giáo dục đối tượng, quản lý chặt tạm trú, tạm vắng tại các khu nhà cho thuê, ngăn chặn tình trạng tiêm chích ma túy, hoạt động mại dâm, gây rối trật tự công cộng… Nhờ đó, số vụ mâu thuẫn, đánh nhau, tụ tập ăn nhậu bê tha giảm đáng kể. Nhiều đối tượng từng một thời cộm cán đã có việc làm, bước đầu đóng góp cho công tác giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Mô hình được nhiều đơn vị tới học hỏi để vận dụng xây dựng.

Không chỉ Vạn Thắng, nhiều địa phương khác cũng có những cách làm hiệu quả, được UBND tỉnh ghi nhận, như các mô hình: “2+1” (2 hội viên CCB và công an phường giúp 1 đối tượng) tại phường Phước Hải, TP. Nha Trang (từ năm 2012), “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa (từ năm 2015), “Tiếng kẻng an ninh”, “Một tiếng hô vang, cả làng có mặt”…

Mới đây, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 80 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người ra tù, UBND tỉnh đánh giá, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể, chủ trì là công an, phối hợp với gia đình người ra tù để quản lý, giúp đỡ họ tìm việc làm,  hạn chế tái phạm tội. Toàn tỉnh đã hỗ trợ nhiều người nghiện ma túy vay với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Các địa phương tạo điều kiện cho người ra tù vay vốn sản xuất gần 1 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Lực lượng công an cũng phối hợp với ngành thi hành án dân sự đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự gần 1,6 tỷ đồng cho 367 người ra tù đặc biệt khó khăn về kinh tế. Hội nông dân các cấp phối hợp với công an tham gia cảm hóa, giáo dục hơn 600 người có tiền án, tiền sự, được đặc xá về địa phương, qua đó, gần 500 đối tượng đã tiến bộ.

7 năm qua, toàn tỉnh có 18.366 người ra tù về địa phương. Trong đó, hơn 3.600 người được cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân; gần 6.000 người được đăng ký cư trú; gần 400 người được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, quỹ khác và được giới thiệu, bố trí việc làm, đào tạo nghề; gần 3.800 người được tư vấn…

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ người ra tù tái phạm, vi phạm pháp luật giảm dần từng năm: năm 2012 là 6%, năm 2013: 5,55%, 2014: 4,9%, đến 6 tháng năm 2017 chỉ còn 3,1%. Kết quả này là do quá trình thực hiện đã tập trung vào 3 nội dung chính: không phân biệt, kỳ thị với người ra tù; biểu dương kịp thời những mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong quản lý, giúp đỡ người ra tù; các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là ở cơ sở, trực tiếp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người ra tù.

Tuy vậy, công tác này vẫn còn khó khăn. Để người ra tù tái hòa nhập, cần nhất là phải có việc làm, nhưng đa số người ra tù chỉ lao động thủ công, tay nghề thấp, trong khi thị trường lao động ngày càng đòi hỏi tay nghề cao, có trình độ nhất định. Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động còn kỳ thị, ngại tiếp nhận họ. Việc hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng cũng khó khăn bởi người ra tù hầu hết không có tài sản thế chấp. Trong công tác hỗ trợ tái hòa nhập, các cơ quan, tổ chức chưa được cấp kinh phí từ ngân sách nên khó triển khai cho vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề… Những vấn đề này đã được UBND tỉnh kiến nghị lên cấp trên.

NGUYỄN VŨ
 

Theo: Báo Khánh Hòa