Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Giữ rừng phòng hộ để bảo vệ đèo Khánh Sơn

Đến thời điểm này, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Cam Lâm (nay là BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) vẫn chưa tận thu xong toàn bộ diện tích rừng trồng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn. Tuy nhiên, UBND huyện Khánh Sơn không đồng tình với việc tận thu này do lo ngại đường đèo bị sạt lở, chia cắt vào mùa mưa.

Chủ rừng đề nghị tận thu


Cơn bão số 12 năm 2017 đã khiến hàng chục héc-ta rừng trồng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn bị thiệt hại nặng. Tổng diện tích rừng trồng phòng hộ trong các năm 2009, 2010, 2011 thuộc tiểu khu 314 (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) dọc theo tuyến đường đèo bị thiệt hại 79,67ha.  Năm 2018, UBND tỉnh đã cho phép đơn vị chủ rừng là BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa thanh lý diện tích rừng trồng bị thiệt hại này theo hình thức khai thác tận dụng lâm sản và trồng lại rừng phòng hộ trên toàn bộ diện tích.



Một điểm sạt lở trên đường đèo Khánh Sơn sau mùa mưa năm 2020.



Theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, trong thời gian tận thu lâm sản, do thời tiết có mưa nhiều, giao thông đi lại khó khăn nên làm chậm tiến độ thực hiện, đơn vị chỉ mới khai thác được 38,29ha, còn lại 41,38ha. Tuy nhiên, khả năng tận thu rất thấp vì phần lớn cây rừng đã ngã đổ, kém chất lượng. Thực chất việc đơn vị xin tiếp tục tận thu diện tích rừng thanh lý này chủ yếu để xử lý thực bì tiến hành trồng lại rừng phòng hộ trên toàn bộ diện tích 79,67ha rừng bị thiệt hại do bão và đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.



Năm 2017, Thường trực Tỉnh ủy đã có kết luận về việc kiểm tra chặt chẽ trồng rừng, quản lý rừng phòng hộ tại khu vực phía đông đèo Khánh Sơn; không được khai thác rừng trồng tại các khu vực rừng phòng hộ nhằm giữ đất, chống sạt lở, đảm bảo giao thông trên toàn tuyến đường đèo Tỉnh lộ 9… Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đồng ý với kiến nghị của UBND huyện Khánh Sơn, trước mắt, đơn vị chủ rừng không tiến hành tận thu đối với 41,38ha rừng chưa thanh lý, tiến hành trồng mới rừng phòng hộ trên diện tích 38,29ha đã tận thu xong.

Theo kết quả kiểm tra, rà soát thực tế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 41,38ha rừng chưa khai thác tận thu chủ yếu là keo lá tràm, không có khả năng tái sinh tự nhiên; trữ lượng bình quân 7,032m3/ha, bình quân 174 cây/ha. Đối chiếu theo quy định thì toàn bộ diện tích này được xếp vào loại rừng trồng chưa có trữ lượng, không đạt tiêu chí rừng trồng phòng hộ. Diện tích rừng này lại nằm sát diện tích đã tận thu xong lâm sản chờ trồng mới rừng nên nguy cơ cháy rất cao, khi xảy ra cháy rất khó chữa cháy.


Theo ông Đỗ Anh Thy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa tổ chức khai thác tận thu lâm sản trên diện tích 41,38ha rừng trồng thiệt hại do bão và tiến hành trồng lại rừng phòng hộ trên toàn bộ diện tích 79,67ha là phù hợp với nhiệm vụ phát triển rừng phòng hộ, nâng cao chất lượng rừng… Tuy nhiên, việc xử lý hiện trường trồng rừng, thiết kế trồng rừng phòng hộ tại khu vực phía đông đèo Khánh Sơn, đơn vị chủ rừng cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, tránh gây xói lở, rửa trôi đất…

 
Lo đường đèo sạt lở


Về việc tận thu diện tích rừng trồng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn, UBND huyện Khánh Sơn không đồng tình, với lý do: Nếu tận thu, khai thác trắng thì tuyến đường đèo Khánh Sơn sẽ bị sạt lở, chia cắt về giao thông khi có mưa lớn. Sự lo lắng này có cơ sở, bởi sau những đợt khai thác rừng trồng phòng hộ dọc 2 bên đường, tuyến đường đèo dài 10km gần như trống trơn; rừng phòng hộ không còn nên mỗi mùa mưa lũ, Tỉnh lộ 9 lại bị chia cắt. Đợt mưa lũ cuối năm 2018 đã cuốn phăng một đoạn đường khá dài, gây chia cắt giao thông nhiều ngày; hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ trên tuyến đường đèo Khánh Sơn cũng mới được khắc phục, gia cố gần đây.


Theo ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, việc tuyến đường đèo Khánh Sơn sạt lở nghiêm trọng, lũ quét trong thời gian qua một phần do việc khai thác trắng rừng phòng hộ dọc theo tuyến đường này. Tuy diện tích đất rừng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn thuộc địa phận huyện Cam Lâm nhưng lại có tác động trực tiếp đến giao thông, đi lại của người dân Khánh Sơn. Do đó, địa phương đã nhiều lần kiến nghị tỉnh chỉ đạo việc bảo vệ diện tích rừng trồng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn; việc trồng rừng phòng hộ cần lựa chọn các loại cây lâu năm như dầu, sao, hương… để đảm bảo tính phòng hộ.


HẢI LĂNG

Theo: Báo Khánh Hòa ( https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202106/giu-rung-phong-ho-de-bao-ve-deo-khanh-son-8220158/ )

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202106/giu-rung-phong-ho-de-bao-ve-deo-khanh-son-8220158/