Tại Khánh Hòa, nhiều địa phương còn lưu giữ được những làng nghề truyền thống, trong đó nổi tiếng là làng nhang, làng chiếu (thị xã Ninh Hòa) và làng bún (huyện Diên Khánh).
Về thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình (Ninh Hòa), từ ngoài đường, mùi nhang trầm, nhang quế dịu nhẹ phảng phất trong gió. Trên đường vào làng, thi thoảng, chúng ta sẽ thấy sắc đỏ trắng của những tăm nhang, que nhang được phơi trên hè, mép đường.
Gia đình bà Lê Thị Lái có truyền thống 3 đời làm nhang. Trước sân nhà, hàng ngàn que nhang phơi trên giàn; bà Lái lui cui trở qua trở lại các cây nhang trên chục giàn phơi. Bên trong nhà, chồng bà Lái cùng 1 người thợ liên hồi trộn bột đưa vào máy se nhang, vào bì, đóng gói, dán nhãn nhang thành phẩm… Theo bà Lái, để làm ra cây nhang không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mỉ. Phần tăm nhang thường làm từ thân tre, được bà mua từ ngoài bắc. Sau khi mua về, bà nhúng màu đỏ 1/3 thân để làm phần gốc, rồi phơi qua nắng nhiều ngày cho thật khô. Có vậy, khi đốt lên cây nhang mới cháy đều, tàn nhang uốn cong mà không gãy ngang bất chợt. Bột nhang thường được làm từ bột quế, bột trầm, bột thuốc bắc được đặt mua ở các tỉnh Bình Định, Gia Lai, trộn theo công thức nhất định với hỗn hợp keo để tạo độ kết dính. Sau khi được phủ bột xong, những que nhang thơm ngát sẽ được đem phơi khô rồi đóng gói.
Ông Nguyễn Thành Tâm, người làm nghề nhang lâu đời của làng kể: “Cách đây gần chục năm, khi chưa có sự hỗ trợ của máy móc, muốn làm nhang, mọi công đoạn đều phải làm bằng tay. Ai khéo tay mới làm ra được cây nhang tròn, đẹp. Giờ đây, một máy có thể làm thay cho 10 người, nên không còn ai ở làng làm nhang bằng tay”. Trải qua nhiều thế hệ, nghề làm nhang ở thôn Phong Ấp cũng mai một dần. Hiện nay, cả làng chỉ còn khoảng 20 hộ giữ nghề.
Xuôi về phía biển, chúng tôi tới làng Mỹ Trạch (phường Ninh Hà, Ninh Hòa) – nơi có nghề dệt chiếu cói từ lâu đời. Chiếu Mỹ Trạch có tiếng không chỉ do đặc tính của cây cói nơi đây bền, tốt, mà còn kết tinh từ kinh nghiệm, kỹ thuật dệt và sự trau chuốt tỉ mỉ từ bàn tay của người thợ. Gia đình chị Tôn Nữ Lệ Quyên là một trong những hộ có 3 đời làm chiếu. Khi chúng tôi đến, chị Quyên cùng chị Lê Thị Mỹ Nhung đang bắt khung để dệt. Trong hơn 30 phút, những sợi cói xanh, đỏ, vàng dưới đôi bàn tay khéo léo của 2 chị đã hình thành nên 1/3 tấm chiếu với đủ màu sắc. Chị Quyên cho biết, bên cạnh kỹ thuật dệt thì chất lượng cói là một yếu tố rất quan trọng. Ở làng Mỹ Trạch, cây cói nhờ được trồng trong nước chà hai – loại nước pha trộn giữa nước mặn và nước ngọt nên cây cói cứng, sợi chắc. Vì thế, chiếu sau khi thành phẩm đẹp hơn nơi khác.
Cũng như những làng nghề khác, do thu nhập thấp nên nghề dệt chiếu ở làng mai một nhiều, không còn hình ảnh nhà nhà dệt chiếu, ngoài đường đầy sắc màu đỏ, xanh, vàng của cói được nhuộm phơi, tiếng kẽo kẹt của khung dệt vang khắp làng như trước. Hiện nay, ở làng chỉ còn khoảng 16 hộ giữ nghề. Theo những người trong làng, nghề dệt chiếu ở Mỹ Trạch không biết có từ bao giờ, lớn lên đã thấy người người trong làng làm nghề này. Trẻ em mới 7, 8 tuổi đã biết phụ người lớn chẻ cói, đưa cói cho mẹ dệt chiếu, thêm vài tuổi nữa thì có thể ngồi khung để dệt. Trong ký ức của họ, nghề dệt chiếu ở Mỹ Trạch thịnh hành nhất những năm sau ngày đất nước giải phóng. Xã Ninh Hà thời bấy giờ (nay là phường Ninh Hà) thành lập hợp tác xã dệt chiếu, tổ chức khai hoang, mở rộng diện tích trồng cói để phát triển nghề. Lúc cao điểm, 90% dân số trong làng làm chiếu. “Ngày trước, nhà nào cũng có 1 – 2 khung dệt. Cứ gần Tết, đường làng lại rực rỡ sắc màu của chiếu cói, chiếu hoa. Người dân dệt chiếu suốt ngày đêm để kịp giao cho thương lái ở các tỉnh: Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lâm Đồng… Còn bây giờ thì…!”, chị Nhung hồi tưởng.
Đi ngược về Diên Khánh, chúng tôi ghé vào làng làm bún ở Tổ dân phố Phú Lộc Tây 4, thị trấn Diên Khánh. Mới tờ mờ sáng, ở làng đã ồn ã tiếng xe ra vào làng liên tục để chở bún đi giao khắp nơi. Chị Nguyễn Thị Xuân Phương có hơn 30 năm theo nghề cho biết, chị học nghề từ cha mẹ rồi cứ thế mà làm. Gạo để làm bún được chị Phương đặt mua ở Đắk Lắk, bởi gạo ở nơi này mới đủ độ nở, độ dẻo để cho ra cọng bún tươi ngon. Theo chị Phương, nghề làm bún khá cực nhọc. Trước kia, cả làng chủ yếu làm thủ công, từ khâu xay bột đến ép tạo sợi hoàn toàn bằng sức người, nên hàng ngày cả làng phải làm từ chiều tối cho đến sáng mới kịp giao hàng cho khách. Sau này, nhiều hộ đã đầu tư mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất bún liên hoàn, từ máy vo gạo, xay gạo, máy ép bột, đánh bún… nên công việc đỡ hơn.
Ông Lê Thái Bình – Tổ trưởng Tổ dân phố Phú Lộc Tây 4 cho biết, hiện nay, làng có khoảng 25 hộ còn giữ nghề, trong đó chiếm hơn 1/2 là làm bún, còn lại chuyển sang sản xuất bánh phở, bánh canh, bánh bèo, sợi mì quảng… Bình quân mỗi ngày, cả làng xuất bán đi hàng tạ các loại bánh, bún.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, đa dạng sản phẩm được máy móc sản xuất ra hàng loạt; vì vậy, nhiều làng nghề đã ít nhiều bị mai một, nhưng vẫn còn một số gia đình cố gắng giữ nghề. Bởi với họ, nghề của ông cha không chỉ nuôi sống gia đình, mà đó còn là nét văn hóa mang đậm bản sắc quê hương của vùng đất xứ Trầm.
C.ĐAN