Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS và THPT) là chương trình giáo dục bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.

Thiết kế chương trình mở

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Nội dung hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được chia làm 2 giai đoạn, gồm giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT). Trong đó, ở cấp tiểu học, nội dung tập trung vào các hoạt động khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô, người thân trong gia đình, tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh (HS)… Ở cấp THCS, tập trung vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của HS. Ở cấp THPT, ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung tập trung hơn vào việc đánh giá và giúp HS tự đánh giá năng lực, sở trường để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Ngoài ra, còn có nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm, bao gồm những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp…



Học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang) trải nghiệm kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.

Học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang) trải nghiệm kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.



Hoạt động trải nghiệm được thực hiện thông qua các hình thức chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, câu lạc bộ và được tổ chức theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường, có thể tổ chức trong và ngoài lớp học, trường học. Chương trình có tính mở, linh hoạt, các nhà trường, giáo viên có thể chủ động lựa chọn nội dung, phương thức, không gian, thời gian phù hợp trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của HS. Các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường thường được các trường lựa chọn như: Tổ chức tham quan làng nghề truyền thống; tìm hiểu di tích lịch sử; tổ chức các cuộc thi, giao lưu về tiếng Anh; tập huấn kỹ năng, các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ neo đơn…

Tăng cường trải nghiệm thực tế


Theo cô Nguyễn Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn 1 Diên Khánh (huyện Diên Khánh), trong chương trình mới, hoạt động trải nghiệm được sắp xếp thành 1 tiết dạy và có thể lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa… Qua việc học trải nghiệm, HS mạnh dạn, tự tin hơn, biết hợp tác, chia sẻ về những trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên HS chưa được trải nghiệm thực tế nhiều, chủ yếu vẫn dừng ở việc học lý thuyết. Năm học 2022 – 2023 là năm thứ 3 thực hiện chương trình mới ở cấp tiểu học nên giáo viên đã có kinh nghiệm tổ chức dạy học, khai thác nội dung trong sách và gợi mở cho HS. Dự kiến, trong năm học này, nhà trường sẽ tăng cường tổ chức hoạt động thực tế để HS được trải nghiệm nhiều hơn.


Theo ông Lê Đình Thuần – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hoạt động trải nghiệm có vai trò quan trọng, đem lại lợi ích cho cả người học và người dạy. Việc trải nghiệm giúp HS tiến bộ, dễ dàng nắm bắt kiến thức thông qua các hoạt động thực tế, phát huy tối đa khả năng của bản thân để phát triển các kỹ năng mềm như: Làm việc nhóm, xử lý tình huống, giao tiếp, thuyết trình… Các em thoải mái, hào hứng hơn so với việc chỉ học lý thuyết vì được tiếp xúc với những phương pháp, hình thức học tập đa dạng. Giáo viên cũng có cảm hứng dạy học hơn, gắn kết hơn với HS thông qua các hoạt động, tích cực tìm tòi phương pháp giảng dạy mới, không khí lớp học thêm sôi nổi.  


Tuy vậy, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cũng gặp không ít khó khăn, nhất là các trải nghiệm ngoài nhà trường vì phải lên kế hoạch từ sớm; đầu tư nhiều công sức; huy động nhiều lực lượng tham gia, từ ban giám hiệu nhà trường, giáo viên, cha mẹ HS, các tổ chức chính trị – xã hội, nhà tài trợ… Bên cạnh đó, việc bố trí thời gian hợp lý và tìm kiếm địa điểm đáp ứng yêu cầu trải nghiệm cũng gặp khó khăn, nhất là với những trường ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là hạn chế về kinh phí tổ chức, nhất là đối với những trường có điều kiện khó khăn. Đặc biệt, một yêu cầu rất quan trọng khi tổ chức hoạt động trải nghiệm là phải đảm bảo an toàn về mọi mặt cho những người tham gia. Đây cũng là lý do mà nhiều giáo viên, nhà trường e ngại khi tổ chức hoạt động ngoài nhà trường… Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường căn cứ vào điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp với năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường phối hợp với cha mẹ HS, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan để tổ chức cho HS trải nghiệm trong và ngoài nhà trường. Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức các hoạt động.


H.NGÂN

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202209/giao-duc-hoat-dong-trai-nghiem-cho-hoc-sinh-chu-trong-nang-cao-chat-luong-8262389/