Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Gian nan bảo vệ rừng

Từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, khai thác lâm sản trái phép diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Để hạn chế tình trạng này, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Rộ lên nạn phá rừng

Ông Trần Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, tính đến hết tháng 8, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 216 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 24 vụ so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các vụ vi phạm đều được phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa, Vạn Ninh đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Trong đó, nổi lên tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất và khai thác lâm sản trái phép.

Gỗ khai thác trái phép được lực lượng chức năng phát hiện dọc tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng.

Tại huyện miền núi Khánh Sơn, sau nhiều năm rừng núi khá yên bình thì đến đầu năm 2019, trên địa bàn rộ lên tình trạng khai thác gỗ để lấy vật liệu bán cho người dân làm lồng bè nuôi tôm. Tình hình khó kiểm soát đến độ Chi cục Kiểm lâm phải điều lực lượng của Đội Kiểm lâm cơ động đến đóng chốt tại địa phương này để hỗ trợ xử lý. Vào mùa khô, địa bàn này lại “nóng” với tình trạng phá rừng trái phép để lấy đất làm nương rẫy tại xã Sơn Lâm và Ba Cụm Nam. Đối với vụ việc rừng phòng hộ đầu nguồn thôn Ko Róa (xã Sơn Lâm) bị triệt phá, đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 4 vụ án hình sự. Vụ phá rừng lấy đất sản xuất xảy ra tại xã Ba Cụm Nam cũng đang được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để khởi tố. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện phát hiện 21 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và thụ lý 8 vụ việc từ chủ rừng chuyển giao.

Tại huyện Khánh Vĩnh lại nổi lên tình trạng lâm tặc vào sâu trong rừng để khai thác gỗ trái pháp luật với khối lượng lớn. Đặc biệt, tại khu vực cánh tây của huyện có dấu hiệu các đối tượng lâm tặc cát cứ, hình thành băng nhóm triệt hạ lẫn nhau để giành địa bàn. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, tính đến hết tháng 8, toàn huyện phát hiện 77 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, Hạt Kiểm lâm phát hiện và tiếp nhận 41 vụ vi phạm; Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh phát hiện, lập biên bản 36 vụ việc.

Các cánh rừng ở EaKrongrou, rừng căm xe (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), rừng Dốc Mỏ – Suối Hương (huyện Vạn Ninh)… cũng bị các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép. Tuy mức độ không lớn như các năm trước nhưng vẫn diễn ra âm ỉ, chưa được xử lý dứt điểm.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Thực tế, công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Người dân sống ở các địa phương có rừng phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế không ổn định, dễ bị các đối tượng đầu nậu xúi giục tham gia phá rừng hoặc tiếp tay cho các đối tượng phá rừng. Các đối tượng lâm tặc lợi dụng địa hình miền núi, đến cư trú trái phép trong rừng, ven rừng, chọn những khu vực rừng xa, hiểm trở, giáp ranh với các tỉnh khác để khai thác lâm sản. Do đó, việc phát hiện rất khó khăn. Trong khi đó, nhân lực của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thiếu trầm trọng, 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách 2 – 3 xã có rừng hoặc phụ trách 1 xã có diện tích rừng, đất rừng lên đến 5.000ha (quy định 1.000ha/1 công chức kiểm lâm). Nhân lực của các chủ rừng chưa đủ mạnh để có thể tự tổ chức bảo vệ diện tích rừng được giao.

Ông Nguyễn Danh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết, Khánh Vĩnh là một trong những địa bàn phức tạp, khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Để bảo vệ rừng tốt hơn, hạt kiểm lâm địa phương đã đề nghị chủ rừng phải tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng từ gốc, tổ chức các chốt chặn tại cửa rừng, nơi có nguy cơ xâm hại cao. Các trạm kiểm lâm trên địa bàn phải kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, xâm hại tài nguyên rừng; phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm. Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến, xử phạt các cơ sở tàng trữ lâm sản trái phép.

Giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái pháp luật là phải có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương. Trong đó, lực lượng kiểm lâm phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng; sẵn sàng hỗ trợ chủ rừng khi cần thiết; kịp thời tham mưu cho ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp để tổ chức lực lượng liên ngành truy quét, xóa bỏ các tụ điểm xâm hại rừng; kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến, mua bán lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp… Đối với chủ rừng, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ rừng, nếu để rừng bị xâm hại cần xử lý nghiêm theo quy định. Chính quyền cơ sở cần có biện pháp vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm, tránh để xảy ra tình trạng lâm tặc đến cư trú tại địa phương, lên rừng khai thác gỗ trái phép nhưng không biết gì. Về lâu dài, cần thực hiện tốt việc lồng ghép các dự án, chương trình tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, các xã có rừng với công tác bảo vệ rừng. Cụ thể, triển khai các chính sách hỗ trợ để người dân sống gần rừng được hưởng lợi từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng… Từ đó, giúp người dân từ bỏ việc phá rừng.

HẢI LĂNG
 

Theo: Báo Khánh Hòa