Sáng 6-12, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khánh Hòa Khóa VI đã có phiên chất vấn các đại biểu liên quan đến nhiều vấn đề nóng ở địa phương. Trong đó có vụ việc sai phạm xảy các dự án ở TP Nha Trang. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa chỉ trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 8, số 9 đã có 22 người chết, 33 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tại dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú nghi gây sạt lở làm chết 4 người, sập 10 căn nhà tại phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang), đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh đặt vấn đề phải chăng việc xây dựng hồ vô cực tại dự án này là nguyên nhân gây ra vụ sạt lở, đâu là nguyên nhân chính? Dự án này thay đổi thiết kế, quy hoạch có ảnh hưởng đến việc sạt lở không? Việc chủ đầu tư tự múc đất thành hố trong khuôn viên dự án có trùng vào diện tích làm hồ bơi không?
“Dự án này có quá nhiều cái không. Cụ thể mà Sở Xây dựng đã báo cáo là không gửi cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng; tổ chức thi công công trình không có giấy phép; tổ chức khởi công, xây dựng nhà hàng không có giấy phép xây dựng thiếu biện pháp đảm bảo an toàn. Chủ đầu chưa thực hiện điều chỉnh dự án theo quy định, chưa thực hiện thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng, chưa báo cáo thông tin công trình. Và cái không cuối cùng không không bị cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra. “Tại sao dự án trên 11ha với trên 380 căn nhà, các công trình khác như siêu thị, hồ bơi, nhà hàng… tồn tại từ 2011 đến nay. Cá nhân, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng không phép này?”- đại biểu Thịnh đặt vấn đề.
Dự án nghi sạt lở gây chết người
Còn đại biểu Nguyễn Ngô, cho rằng dự án này xây dựng đường sá, múc hồ bơi thì Sở Xây dựng đã kiểm tra bao nhiêu lần? Sau sự cố thì mới ban hành 3 quyết định xử phạt. Việc xử phạt như hợp thức cho trách nhiệm kiểm tra của mình. “Tôi cho rằng việc xử lý là chậm trễ. Chúng tôi đã đi khảo sát thấy chủ đầu tư múc đất rất vuông vắn, trũng. Có hay không có thì phải có cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng. Trách nhiệm quản lý tham mưu của giám đốc sở như thế nào?” – đại biểu Ngô hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Hoàng Diệp đặt vấn đề nhiều công trình nhà ở trái phép, sai quy hoạch, phân lô bán nền tràn lan như Báo Người Lao Động và một số tờ báo phản ánh. “Tôi hỏi trách nhiệm của ông, người đứng đầu cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực xây dựng như thế nào?” – đại biểu Diệp đặt vấn đề với giám đốc sở Xây dựng Khánh Hòa.
Ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa trả lời chất vấn liên quan đến sạt lở dự án gây chết 4 người
Về các vấn đề này, ông Lê Văn Dẽ, Giám đóc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho rằng việc gây sạt lở ở dự án Hoàng Phú là do chủ đầu tư đào mương dẫn nước từ trên núi xuống dẫn vào mương hở dự án. Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn nên dòng nước từ núi xuống chảy tràn ra rồi xé, tạo dòng đổ vào diện tích chủ đầu tư múc đất cát là nguyên nhân gây sạt lở. Chủ đầu tư đào múc tại vị trí xây dựng hồ bơi với diện tích 300 m2 chứ chưa thi công hồ bơi. Việc múc đất đá xây dựng các công trình ở dự án này chưa có giấy phép xây dựng. Khi múc đất không tuân thủ theo bản vẽ quy hoạch san nền, không thông quan cơ quan quản lý nhà nước.
Về việc sai phạm xây dựng tràn lan, ông Dẽ thừa nhận việc không phép, sai phép là có, đối với khu dân cư tự phát, nhà ở thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm phối hợp xử lý. Sở đã có nhiều văn bản tham mưu về vấn đề này. Sở Xây dựng đang rà soát, kết hợp với chính quyền tham mưu để quản lý tốt hơn.
Vụ sạt lở từ vị trí hồ bơi ở dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang làm chết 4 người dân, sập 10 căn nhà
Ông Dẽ cho biết dự án Hoàng Phú được phê duyệt từ năm 2011, trong đó có hồ bơi, nhưng chủ đầu tư chưa xây dựng thì không thể gọi là vỡ hồ bơi. Chủ đầu tư có đào trên phần diện tích quy hoạch hồ bơi với diện tích ngang 15m dài 32m và sâu 0,8m. Trước khi bão vào, Sở đã ban hành các văn bản yêu cầu các dự án phải bố trí con người, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. “Dự án Hoàng Phú chỉ cần nắn dòng chảy thì không xảy ra việc sạt lở. Việc này là chủ quan của nhà đầu tư” – ông Dẽ đổ trách nhiệm cho chủ đầu tư.
“Từ năm 2014, khi Luật Xây dựng mới có điều chỉnh. Tôi người đứng đầu xin chịu trách nhiệm có thiếu sót. Tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện quy định mới. Việc hướng dẫn nhưng chủ đầu tư không thực hiện nhưng Sở Xây dựng cũng thiếu vai trò quản lý chuyên ngành, kiểm tra các dự án. Tôi báo cáo cũng rất trung thực. Tôi hứa với các vị đại biểu, đây là bài học kinh nghiệm, sở tăng cường vai trò kiểm tra tránh các sự vụ tương tự xảy ra”.
Theo: Người Lao Động