Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Tấn Bản nhận trách nhiệm thiếu sót trong quản lý để xảy ra giao đất sai quy định, phá rừng căm xe tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh chất vấn ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở NN-PTNT về việc với tư cách là người đứng đầu ngành có biết việc Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa tự ý ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng căm xe hàng trăm héc-ta với một hộ ở thôn Sông Búng, xã Ninh Tây? Nội dung bản hợp đồng trên có đúng với các văn bản quy định của pháp luật? Trách nhiệm của ông khi để một hành vi vi phạm pháp luật tồn tại quá lâu, gây bức xúc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại thôn Sông Búng?
Trả lời chất vấn, ông Lê Tấn Bản cho biết, trong tháng 6 và 7-2018, sau khi nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí về tình hình phá rừng tại xã Ninh Tây, Sở NN-PTNT đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa kiểm tra, xử lý theo thông tin báo chí phản ánh. Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm phát hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa đã không thực hiện đúng quy định hiện hành khi ký hợp đồng ngày 21-3-2017 với một hộ giao khoán bảo vệ 257,25ha rừng. Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa còn cho phép hộ này làm chuồng dê với diện tích 200m2 và xây dựng 1 nhà ở cho người chăn dê trong rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, theo ông Bản, hợp đồng ký giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa và hộ trên không có hiệu lực pháp lý và không đúng quy định pháp luật, do căn cứ pháp lý áp dụng trong hợp đồng là văn bản đã hết hiệu lực (căn cứ áp dụng Bộ luật Dân sự đã hết hiệu lực từ ngày 1-1-2017, trong khi hợp đồng ký ngày 21-3-2017). Hợp đồng khoán bảo vệ rừng này cũng không tuân thủ theo quy định tại Nghị định 168 ngày 27-12-2016 của Chính phủ về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước.
Sau khi phát hiện các sai phạm, ngày 11-9, sở đã họp để xử lý vụ việc, sau đó chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa chấm dứt ngay hợp đồng khoán bảo vệ rừng với hộ này, di chuyển chuồng trại nuôi dê ra khỏi khu vực rừng phòng hộ căm xe. Nếu Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa có nhu cầu khoán bảo vệ rừng phòng hộ đối với cá nhân hoặc hộ gia đình thì phải có kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng hoặc kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch về bảo vệ và phát triển rừng đúng theo quy định tại Nghị định 168.
“Việc Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng đối với một hộ không báo cáo cho giám đốc sở nên tôi chỉ nắm được vụ việc sau khi báo chí phản ánh. Tôi xin nhận khuyết điểm vì đã để đơn vị trực thuộc vi phạm quy định của pháp luật trong thời gian dài”, ông Bản nói.
Ông Bản cho biết: “Sở đã chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa lập phương án kiểm kê, bảo vệ rừng căm xe và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, sở sẽ chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa phối hợp với UBND xã Ninh Tây triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào DTTS nghèo theo quy định tại Nghị định 168”.
VĂN KỲ – XUÂN THÀNH
Theo: Báo Khánh Hòa