Khánh Hòa đang là địa phương đứng đầu khu vực miền Trung về số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 1 trường hợp tử vong. Nếu như tháng 6, 7-2018, trung bình mỗi tháng, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh ghi nhận từ 3 đến 5 ca mắc bệnh SXH nặng, thì thời điểm này năm nay, mỗi ngày BV điều trị từ 2 đến 3 ca nặng.  

Nhập Khoa Nội nhi, BV Bệnh nhiệt đới tỉnh ngày 25-7 do mắc SXH, sau 3 ngày theo dõi, điều trị, bệnh tình của cháu Lê Hoàng Anh V. (12 tuổi, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) trở nặng nên được chuyển xuống Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực để điều trị tiếp. Sau khi điều trị tích cực, sức khỏe của cháu tạm ổn. Tuy nhiên, đến tối 29-7, bệnh nhân tái sốc trở lại. Qua xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị rối loạn đông cầm máu, chảy máu chân răng, hô hấp yếu, phải thở máy và điều trị tích cực. Đây cũng là trường hợp mắc SXH nặng nhất được ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới trong tuần qua. Chị Nguyễn Thị Xuân Đào – mẹ của bệnh nhân chia sẻ: “Trước đó, cháu đi Vũng Tàu chơi, đi về thì bị SXH. Theo các bác sĩ, do cháu bị thừa cân nên tình trạng bệnh của cháu diễn biến phức tạp và nặng hơn so với các bé bình thường”.

Cán bộ y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng.

Cán bộ y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng.

Bệnh nhân Trương Hoàn Th. (19 tuổi, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cũng chủ quan với căn bệnh này khiến Th. mắc SXH phải nhập BV Bệnh nhiệt đới tỉnh. Th. cho biết: “Tôi bị sốt 3 ngày sau đó mới nhập viện. Lúc ở nhà thấy sốt bình thường, tôi mua thuốc uống nhưng không đỡ. Sau đó, tôi bắt đầu nôn ói, chóng mặt, gia đình đưa vào đây thì bác sĩ chẩn đoán bị SXH nặng và chuyển ngay vào Khoa Cấp cứu – Hồi sức điều trị”.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 7.200 ca mắc SXH. Trong đó, tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh tiếp nhận điều trị cho hơn 3.100 ca, ghi nhận 166 ca nặng, cao gần gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng lo ngại, phần lớn những ca SXH nặng đều nhập viện ở giai đoạn trễ. Bác sĩ Ngô Quang Văn – Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “BV tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH nặng do trước đó tự dùng thuốc, hay truyền dịch tại nhà hoặc tại cơ sở y tế tư nhân. Chúng tôi nhận định năm nay bệnh diễn biến phức tạp, dễ diễn tiến nặng hơn. Do đó, các bác sĩ đều cẩn thận hơn trong các khâu khám chẩn đoán sàng lọc, tăng cường theo dõi sát bệnh nhân để không có biến chứng xấu”.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình – Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cảnh báo, đối với những bệnh nhân ở giai đoạn mới mắc bệnh SXH tuyệt đối không nên truyền dịch, mà phải tuân thủ điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế. Người dân khi mắc bệnh, nếu đã đến cơ sở y tế tư nhân mà bệnh không bớt thì phải vào ngay BV để thực hiện các xét nghiệm, phát hiện sớm bệnh để được điều trị kịp thời. Nếu để lâu, bệnh diễn biến quá nặng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Thông thường, SXH sẽ kéo dài 7 ngày, từ ngày thứ 4 trở đi bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người bệnh chủ quan cho rằng bệnh sắp khỏi, tuy nhiên, đây mới là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh, có thể có những biến chứng nặng nề. Với diễn biến phức tạp của SXH, ngành Y tế khuyến cáo người dân phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong việc phòng, chống, điều trị bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, tự ý dùng thuốc hay truyền dịch tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế tư nhân không đảm bảo.

THẢO LY
 

Theo: Báo Khánh Hòa