Từ quý II/2018, giấy nguyên liệu bắt đầu tăng giá, nhiều doanh nghiệp (DN) in phải gồng mình bù lỗ. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá giấy khó có thể “hạ nhiệt” nên các đơn vị kinh doanh in ấn sẽ gặp những thách thức không nhỏ.
Giá giấy tăng vọt
Từ tháng 4 đến nay giá giấy liên tục tăng. So với thời điểm cuối năm 2017, giá giấy đã tăng từ 12 đến 20%. Trong đó mức giá giấy in hiện tăng khá cao. Cụ thể, giấy in báo có giá từ 17,5 đến 18,5 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 2 triệu đồng/tấn so với thời điểm cuối năm 2017. Giá giấy in offset (giấy in danh thiếp, túi giấy, hộp giấy…) đã 3 lần tăng giá. Bà Trần Thị Kiều Diễm – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại in và Sản xuất Cát Thành cho biết: “Trong năm 2017, giá giấy nguyên liệu đã tăng nhưng đến cuối năm thị trường đã bình ổn. Giá giấy tăng trở lại trong năm nay khiến các DN in ấn gặp nhiều khó khăn”.
Qua tìm hiểu được biết, nhiều năm gần đây Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa một loạt nhà máy sản xuất giấy và bột giấy, khiến nguồn cung giảm mạnh. Hơn nữa, từ tháng 5-2017, Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, trong đó có mặt hàng phế liệu không phân loại (một trong những nguyên liệu chính để sản xuất ra giấy cuộn), khiến thị trường nội địa gặp khó khăn từ nguyên liệu sản xuất đến thành phẩm là bao bì. Chính vì vậy, các thương nhân Trung Quốc đã ồ ạt tới Việt Nam để thu mua giấy nguyên liệu. Họ đến các nhà máy sản xuất giấy đặt mua số lượng lớn, với giá mua cao hơn giá bán trong nước từ 1,5 – 2 triệu đồng/tấn.
Ngoài ra, giá bột giấy nhập khẩu (nguyên liệu chính để sản xuất giấy thành phẩm các loại) cũng liên tục tăng. Giá bột giấy đang ở mức gần 900 USD/tấn, tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Đồng thời, do chi phí sản xuất tăng, giá nguyên liệu và giá hóa chất ngành giấy đều tăng đã góp phần khiến thị trường giấy “nóng” lên.
Doanh nghiệp đuối sức
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 50 DN chuyên kinh doanh trong các lĩnh vực liên quan đến giấy. Giá giấy tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các DN. Bà Kiều Diễm khẳng định: “Theo nguyên tắc, giá giấy tăng thì giá các sản phẩm sách, báo… cũng phải tăng theo, nhưng có nhiều đơn hàng chúng tôi đã ký hợp đồng từ đầu năm, bây giờ giá giấy tăng chúng tôi cũng không tăng giá in được. Các ấn phẩm thương mại khác muốn tăng giá cũng khó vì sẽ giảm số lượng khách hàng. Thời gian qua, chúng tôi đã chấp nhận lỗ một số sản phẩm in ấn, song với xu hướng này không biết DN có chịu được không”.
Ông Trần Minh Nhựt – Phó Trưởng phòng Thị trường, Sản xuất, Công ty Cổ phần In và Thương mại Khánh Hòa cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi dự đoán giá giấy sẽ tăng nên công ty đã chủ động mua giấy dự trữ cũng như ký hợp đồng cả năm với các đối tác cung cấp giấy. Tuy nhiên, vì chúng tôi có những hợp đồng lớn và ổn định nên mới có thể thực hiện được theo hướng này. Đối với các DN nhỏ, sẽ không làm như vậy được. Bởi các đơn hàng của họ tùy theo tháng, lên xuống thất thường nên họ không thể ký hợp đồng mua giấy cả năm như chúng tôi. Trong khi đó, để tăng giá các sản phẩm in ấn đầu ra là điều không dễ vì ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh”. Ông Nhựt cũng cho rằng, tuy các DN in đang cố gắng giữ giá nhưng với xu hướng giá giấy tiếp tục tăng, cùng với giá mực in tăng thì các DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Dự báo, thời gian tới, giá nguyên liệu làm giấy vẫn ở mức cao và còn có khả năng tăng. Do đó, giấy in cũng phải tăng theo giá nguyên liệu. Thời điểm hiện tại, phần lớn giá các sản phẩm in ấn chưa tăng giá, hoặc chỉ tăng nhẹ, song đến cuối năm 2018, giá giấy vẫn cao thì các sản phẩm này buộc phải tăng theo.
Đình Lâm
Theo: Báo Khánh Hòa