Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa ký Tờ trình số 8565/TTr-UBND ngày 12-9-2022 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về việc thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Tổng diện tích đồ án này trên 54.719 ha, thuộc 14 đơn vị hành chính của huyện với 7 phân khu chức năng.
Phân khu chức năng khu đô thị mới Cam Lâm
Đẩy nhanh ý tưởng vào quy hoạch
Trước đó, ngày 12-3, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, báo cáo ý tưởng đầu tư lên Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề xuất 3 dự án với tổng diện tích hơn 16.800 ha ở huyện Cam Lâm, gồm: Dự án khu đô thị sân bay cao cấp theo phong cách Pháp, Ý, Hà Lan với diện tích 7.505 ha; dự án đô thị sinh thái hàng đầu thế giới với các khu nghỉ dưỡng, tài chính, diện tích 6.735 ha và dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại, vui chơi – giải trí với diện tích 2.608 ha.
Điều này được cho là phù hợp với Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau đó, Chính phủ có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm.
Gần 6 tháng sau, ngày 7-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm. 5 ngày sau, ngày 12-9, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Tờ trình 8565 về việc thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế
Hướng đến đô thị mở
Theo Tờ trình 8565, đô thị mới Cam Lâm có mô hình và cấu trúc không gian đô thị với 3 khu vực. Khu vực 1 – đồng bằng trung tâm, hai bên đầm Thủy Triều – sẽ hình thành, phát triển các dịch vụ thương mại – du lịch, đô thị cao cấp, công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ toàn cầu, kết nối đa dạng kết hợp giữa không gian ở mật độ thấp và các không gian đô thị nén nổi trội với chức năng ở đô thị, chức năng hỗn hợp. Khu vực 2 – phía Bắc định hướng phát triển khu đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp – logistics, dịch vụ du lịch. Khu vực 3 – núi đồi phía Tây thích hợp phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và du lịch sinh thái nghỉ mát, thể thao leo núi.
Dựa vào mô hình và cấu trúc này, UBND tỉnh Khánh Hòa định hướng 7 phân khu chức năng gồm: Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh 3.561 ha, là khu đô thị dịch vụ, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp trung tâm dịch vụ – thương mại, hội thảo du lịch vùng quốc gia và quốc tế. Phân khu 2 là khu đô thị sinh thái, dịch vụ công nghiệp quy mô 5.365 ha. Phân khu 3 là khu đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế diện tích 7.167 ha. Phân khu 4 là khu đô thị trung tâm, diện tích 6.092 ha. Phân khu 5 là khu ở, vui chơi – giải trí quốc tế, diện tích 9.510 ha, gồm sân golf lớn, công viên chuyên đề, khu du lịch sinh thái… Phân khu 6 là khu dân cư, du lịch sinh thái; diện tích 11.910 ha. Phân khu 7 là khu ở sinh thái, nghỉ dưỡng Hòn Bà; diện tích 11.054 ha.
Điểm nhấn trong các phân khu này là Khu Trung tâm Tài chính – Trí tuệ toàn cầu với tòa tháp văn phòng 45 tầng “Thông minh Top đầu Thế giới”. Khu trung tâm thương mại – dịch vụ với hệ thống trung tâm thương mại Vincom Mega Mall cao cấp, Outlet hàng hiệu…
Các khu chức năng được xác định là khu vực mở hoàn toàn và mở có điều kiện cho từng nhóm đối tượng, để mọi người dân, khách du lịch có thể tiếp cận và sử dụng thuận lợi.
Bà Nguyễn Lê Thị Lý (ngụ xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) cho biết người dân rất quan tâm đến quy hoạch mới vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế, việc làm trong tương lai. “Gia đình có vườn xoài rộng mấy hecta nếu làm khu đô thị mới thì sinh kế sẽ như thế nào? Tương lai chúng tôi có nên tiếp tục đầu tư mở rộng hay không? Việc chuyển nhượng đất đai cũng gặp khó khăn vì tình trạng phân lô bán nền đang nóng. Nếu khu đô thị mới phát triển, chúng tôi nên định hướng con cái học ngành nghề nào để phù hợp trong tương lai?” – bà Lý băn khoăn.
Trước đó, khi khảo sát huyện Cam Lâm, nghe Tập đoàn Vingroup báo cáo ý tưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân về ý tưởng này. Nếu dự án được triển khai, cần phải tạo nên một đô thị xanh, thông minh, trở thành một trung tâm trí tuệ toàn cầu; tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt, chủ đầu tư cần tạo ra hình mẫu về tái định cư, người dân phải có điều kiện sống cao hơn hẳn nơi ở cũ và bảo đảm sinh kế lâu dài.
Công cụ quan trọng và cần thiết
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 là công cụ quan trọng và cần thiết để triển khai các nội dung liên quan nhằm phát triển huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế theo định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/gap-rut-quy-hoach-do-thi-cam-lam-20220914195151831.htm