Chiều 14-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác của Chính phủ đã có mặt tại Quảng Bình – địa phương được dự báo sẽ là tâm bão số 10 đổ bộ, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Cực kỳ nguy hiểm
Trực tiếp thị sát tại cảng Gianh (huyện Bố Trạch) và cảng Hòn La (huyện Quảng Trạch), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng bão số 10 được đánh giá rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Ngư dân Quảng Bình tìm chỗ neo đậu an toàn cho tàu, thuyền tại cảng Nhật LệẢnh: MINH TUẤN
“Cần phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là” – Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát công tác phòng chống bão số 10 tại Quảng Bình Ảnh: MINH TUẤN
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ vĩ Bắc, 108,1 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 180 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km. Khoảng trưa đến chiều 15-9, bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ vĩ Bắc, 105,5 độ kinh Đông, trên đất liền biên giới Việt – Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo các tỉnh, thành từ Quảng Ngãi đến Nghệ An có mưa to đến rất to (100-300 mm); riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400 mm. Các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150 mm, có nơi trên 200 mm). Cơ quan khí tượng cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất từ khu vực Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền, kể cả ở nơi neo đậu khi bão đổ bộ; chủ động triển khai các biện pháp gia cố cần thiết để bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông, đặc biệt là các khu vực xung yếu, công trình đang thi công.
Chạy đua với bão
Theo ghi nhận của phóng viên, từ đêm 13 đến chiều 14-9, tại Quảng Bình đã xuất hiện những đợt mưa lớn, kéo dài. Hiện công tác phòng chống bão đang được tiến hành rất khẩn trương, quyết liệt. Tại TP Đồng Hới, người dân đang hối hả chạy đua với bão. Trên khắp các ngả đường, người dân cùng chính quyền địa phương đang gấp rút chằng chống nhà cửa, di dời phương tiện để ứng phó với siêu bão sắp đổ bộ.
Đến chiều 14-9, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ đã trở về cảng neo đậu. Một số tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi cũng chạy hết công suất để kịp cập bến, tìm nơi tránh trú an toàn. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có trên 4.000 phương tiện với hơn 17.000 lao động hành nghề biển, trong đó còn 243 tàu với hơn 2.088 lao động đang hoạt động trên biển.
Tại Quảng Trị, ngay trong chiều 14-9, tỉnh đã có lệnh cho tất cả học sinh các cấp nghỉ học. Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh có 2.312 tàu, thuyền với 7.500 người hoạt động đánh bắt đã vào bờ an toàn. Tỉnh Quảng Trị đã lên kế hoạch sơ tán dân ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Riêng huyện đảo Cồn Cỏ, nếu bão đổ bộ trực tiếp thì phải sơ tán toàn bộ dân trên đảo vào các vị trí trú ẩn an toàn. Đối với trường hợp bão mạnh, siêu bão sẽ sơ tán gần 140.000 người. Dự kiến đến 20 giờ ngày 14-9, Quảng Trị sẽ hoàn thành việc sơ tán 64.000 hộ dân tránh bão.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, tỉnh đã có phương án sơ tán hơn 100.000 dân ở các vùng nguy hiểm khi có tình huống khẩn cấp; dự trữ hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 230.000 lít xăng, dầu các loại.
Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, 2 ngày qua mưa rất lớn, người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa. Trong chuyến thị sát công tác phòng chống bão tại thị xã Cửa Lò, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An, yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung toàn bộ lực lượng tổ chức phòng chống để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ. Tại Hà Tĩnh, các lực lượng chức năng đã sơ tán trên 47.000 người tại các vùng trọng điểm cửa sông, ven biển, nơi có khả năng xảy ra lũ quét….
Hủy hàng loạt chuyến bay
Từ chiều tối 14-9, các hãng hàng không nội địa đã ngừng khai thác các chuyến bay đi và đến các sân bay khu vực miền Trung do ảnh hưởng của cơn bão số 10 (bão Doksuri).
Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã hủy 9 chuyến trên các đường bay giữa Hà Nội và Đà Nẵng/Huế (VN187, 1547/46); giữa TP HCM và Đồng Hới/Huế/Đà Nẵng (VN 7135, 140, 1376/77, 1400/01); đồng thời lùi giờ khai thác đối với chuyến bay VN430 trên đường bay Seoul (Hàn Quốc) – Đà Nẵng sang hôm sau.
Vietnam Airlines cũng quyết định hủy 13 chuyến bay có kế hoạch khai thác trong ngày 15-9, gồm: VN105, 110, 112, 113, 117, 122, 125, 140, 160, 161, 163, 170, 187 trên các đường bay giữa Hà Nội – TP HCM và Huế – Đà Nẵng. Hủy 2 chuyến bay giữa Đà Nẵng và Đà Lạt (VN1954/55). Ngoài ra, một số chuyến bay nội địa của hãng cũng sẽ bị chậm do ảnh hưởng dây chuyền.
Hãng hàng không Vietjet cũng hủy 20 chuyến bay có lịch khai thác ngày 14-9, gồm: VJ225/VJ226/VJ213/VJ214 chặng Vinh – TP HCM; chuyến VJ307/VJ308 chặng Huế – TP HCM, VJ374/VJ375/VJ376/VJ377 chặng TP HCM – Chu Lai; VJ240/VJ241 chặng TP HCM – Thanh Hóa; VJ262/VJ263 chặng TPHCM – Đồng Hới, VJ792/VJ793 chặng Cam Ranh – Thanh Hóa. Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
T.HÀ
Quảng Ngãi: 1 tàu chìm, 2 tàu mất liên lạc
Ngày 14-9, tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết do ảnh hưởng bão số 10, 1 tàu cá đã bị chìm và 2 tàu đang mất liên lạc trên vùng biển Hoàng Sa.
Tàu cá bị chìm mang số hiệu QNg 94094TS của ngư dân Trương Hoàng Giang, ngụ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Theo thông tin ban đầu, lúc 12 giờ ngày 14-9, trong lúc tàu QNg 94094TS đang trên đường từ ngoài khơi chạy vào bờ tránh bão số 10, khi cách cảng Sa Kỳ khoảng 24 hải lý, tàu chết máy và bị sóng lớn đánh chìm. Khi xảy ra tai nạn, 2 ngư dân đi trên tàu đã được một tàu cá cùng địa phương cứu.
Hai tàu cá khác mất liên lạc đều ở huyện đảo Lý Sơn. Trong đó, tàu mang số hiệu QNg 96237TS của ông Mai Văn Lý có 5 ngư dân và tàu cá QNg 96499TS của ông Hoàng Minh Trung có 7 ngư dân.
T.TRỰC
Nhóm phóng viên
Theo: Zing