Lúc 6 giờ ngày 4-11, bão số 12 đổ vào Khánh Hòa, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 – 135 km/h).
Trước khi bão đổ bộ, từ đêm 3-11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa lớn, gió giật mạnh.
Từ 0 giờ, tại TP Nha Trang, gió bắt đầu mạnh kèm mưa. Đến 4 giờ sáng gió mạnh, giật liên tục khiến nhiều nhà cửa tốc mái. Nhiều người dân vẫn ra đường buôn bán, tuy nhiên gió mạnh đã khiến nhiều người phải bỏ phương tiện trú tránh. Điện đã cúp toàn bộ sau đó.
Tôn bay đầy đường Trần Phú
Cây gãy tại trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa
Nhà thi đấu Đại học Khánh Hòa tan tành
Ông Ngô Khắc Thinh, Phó phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang đang trực chiến nhận xét: “Quá kinh khủng! Sinh ra và lớn lên tại Nha Trang sau 49 năm, đây là lần đầu tiên trong đời thấm thía bão là như thế nào”.
Khoảng hơn 6 giờ, khi bão đổ bộ với sức gió khủng khiếp khiến nhiều căn nhà, cây xanh ở TP Nha Trang, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa tốc mái, ngã đổ. Riêng thị xã Ninh Hòa mất điện hoàn toàn.
7 giờ sáng, anh Nguyễn Trường Huy, cho biết ở trung tâm TP Nha Trang cây ngã la liệt. Các ống khói, mái tôn của khách sạn bay lả tả đầy đường. Nhiều nhân viên ở Khu nghỉ dưỡng Annamandara nằm sát biển cho biết bão đã làm tốc mãi, gãy ngang cây dừa.
Nhiều vật dụng rơi vãi vì bị gió cuốn, UBND TP Nha Trang đã cấm đường từ khuya 3-11
7 giờ 30, phóng viên báo Người Lao Động nhận được cuộc gọi khẩn cấp của một độc giả ở xã Vĩnh Ngọc, người này cho biết đang hoảng loạn vì nhà tốc mái, thổi bay hết đồ đạc. “Tôi hoảng loạn không biết gọi ai để cứu nạn khẩn cấp cho gia đình”- người này thảng thốt.
Nhà cửa người dân bị tốc mái
8 giờ tại thị xã Ninh Hòa, anh Phúc Hiếu cho biết gió đang giật rất mạnh, tôn bay đầy đường. Còn tại huyện Vạn Ninh, anh Văn Giang cho biết tình trạng tương tự cũng xảy ra hàng ngàn nhà dân đã tốc mái.
Khu nghỉ dưỡng ven biển ở TP Nha Trang bị tàn phá, hiện có 5000 khách ở các khu nghỉ dưỡng, trong đó trên 2.200 người nước ngoài
Tại TP Cam Ranh, chị Nguyễn Thị Bích Trinh cho biết sáng cùng ngày đi từ sân bay Cam Ranh về nhà, chưa bao giờ thấy gió to như vậy, ngoài đường cây đổ, tôn bay. Xe ô tô như muốn hỏng bánh.
TP Cam Ranh bị gió bão thổi tung
Tình hình cũng diễn ra tương tự ở Phú Yên khiến tỉnh này hầu như mất điện hoàn toàn. Tại TP Tuy Hòa, gió quần thảo dữ dội quật ngã nhiều cây xanh, bảng hiện, cuốn bay mái nhà dân, giật vỡ cả cửa kính.
Đến hơn 7 giờ, gió giật kèm mưa lớn vẫn đang “quậy” nát các huyện, thị ven biển Khánh Hòa và Phú Yên. Trong khi đó, ở Ninh Thuận, tình hình khá im ắng. Khoảng 5 giờ, tỉnh này có mưa to kèm gió giật mạnh nhưng sau đó giảm dần. Hiện cuộc sống người dân đã trở lại bình thường.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 12 đổ bộ gây gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở An Nhơn (Bình Định), giật cấp 11 ở Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa). Các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa to, một số nơi có mưa rất to như Quảng Ngãi 115mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 100mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 90mm,… Nguy cơ mất an toàn hồ chứa các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.
Nhận định về cơn bão này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương nói: “Điều đáng nói là trước đó khu vực này đã ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn. Đây là vấn đề cốt lõi, cơn bão chỉ xếp sau mức độ thảm họa. Các địa phương không được chủ quan”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật
Theo: Người Lao Động