Nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, phải hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
không cạnh tranh nổi với gạch nung
Năm 2016, Công ty TNHH MTV Hoa Biển (xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh) đầu tư hơn 3 tỷ đồng để sản xuất gạch không nung. Mỗi ngày, công ty sản xuất khoảng 7.000 – 8.000 viên. Thời gian đầu, do có hợp đồng với một số công trình có vốn ngân sách Nhà nước nên tình hình sản xuất có tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất của công ty phải thu hẹp dần. Hiện nay, mỗi tháng công ty chỉ hoạt động vài ngày, công nhân phải tìm kiếm việc làm khác. Ông Nguyễn Ngọc Ánh – Giám đốc công ty cho biết: “Với mong muốn trang trải chi phí bảo dưỡng máy móc, trả lương cho công nhân nên công ty đã hạ giá bán tại nhà máy xuống mức thấp nhất (từ 900 đến 1.100 đồng/viên) nhưng vẫn khó tiêu thụ do không cạnh tranh được với gạch nung truyền thống”.
Theo ông Hồ Minh Châu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vật liệu mới Asia 96, hiện nay, gạch không nung của các nhà máy khó tiêu thụ còn do phải cạnh tranh với gạch không nung chất lượng thấp của các cơ sở sản xuất thủ công. Công ty có dây chuyền sản xuất gạch không nung đúng quy chuẩn, chất lượng có mức đầu tư tối thiểu khoảng 3 tỷ đồng với công suất 5 triệu viên/năm, nhưng mức tiêu thụ chỉ đạt 50%, số còn lại vẫn tồn đọng trong kho. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất gạch không nung thủ công chỉ đầu tư máy dập bằng tay với giá vài trăm triệu đồng, rồi bán sản phẩm rất rẻ. Các sản phẩm này không đảm bảo độ nén, chịu lực khiến công trình bị nứt, thấm nước…, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các nhà máy sản xuất gạch không nung.
Một số nhà máy gạch không nung ở Cụm công nghiệp Diên Phú cũng chung tình cảnh này, thậm chí ở một số doanh nghiệp mức tiêu thụ chỉ khoảng 1/3 so với số lượng gạch sản xuất ra.
Cần được hỗ trợ
Trước những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung kiến nghị UBND tỉnh, Sở Xây dựng quan tâm hơn nữa trong việc yêu cầu chủ đầu tư các công trình có vốn Nhà nước sử dụng gạch không nung. Đồng thời, tăng cường công tác tư vấn thiết kế, giám sát các công trình này; khuyến khích các cơ sở sản xuất gạch xây không nung thủ công tiếp cận chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước để đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung…
Theo Hiệp hội Khai thác và Sản xuất vật liệu xây dựng Khánh Hòa, số lượng các công trình sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh hiện nay còn khá hạn chế. Thói quen sử dụng gạch nung truyền thống vẫn rất phổ biến tại các công trình xây dựng. Đối với các công trình có vốn Nhà nước, nếu Sở Xây dựng không đề cập đến việc sử dụng vật liệu không nung thì chủ đầu tư vẫn sử dụng gạch nung truyền thống để tiết kiệm chi phí. Trong khi toàn tỉnh chỉ có khoảng 5 – 6 nhà máy sản xuất gạch không nung đúng quy chuẩn, chất lượng, thì có đến 30 cơ sở sản xuất gạch không nung thủ công, hơn 120 lò gạch nung truyền thống. Hiệp hội khuyến khích các cơ sở sản xuất gạch nung hoặc không nung thủ công đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung đúng quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng. Hiệp hội sẵn sàng chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất cho các cơ sở.
MAI HOÀNG
Theo: Báo Khánh Hòa