Ngành đường sắt đã bị sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng khách và hàng hóa do ảnh hưởng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV). Từ đó, lãnh đạo ngành này đã vạch ra các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), chỉ trong vòng chưa đến 20 ngày, vận tải đường sắt giảm hơn 60 tỷ đồng doanh thu do dịch COVID-19.
Cụ thể, chỉ trong 19 ngày, kể từ khi Chính phủ công bố dịch COVID-19 đến ngày 14/2/2020, hành khách trả lại vé đã mua tăng đột biến với 39.263 vé, tương đương 160,5% so với cùng kỳ; Các công ty cổ phần vận tải đường sắt phải hủy 78 chuyến tàu khách, tương ứng giảm 8,3% so với kế hoạch. Doanh thu vận tải hành khách dự kiến giảm 54,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 13,3% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa dự kiến giảm thêm 9,9 tỷ đồng.
[Không được giao vốn bảo trì, đường sắt lo ngại phải dừng chạy tàu]
Nguyên nhân được phía VNR đưa ra là do việc thực hiện hàng loạt biện pháp đồng bộ, kiên quyết để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, hạn chế tổ chức lễ hội, du lịch, lùi thời gian nhập học của học sinh, sinh viên, dẫn đến lượng khách đi tàu sụt giảm mạnh. Ngành đường sắt phải bãi bỏ tàu, kết thúc sớm đợt vận tải Tết Nguyên đán so với kế hoạch. Tàu khách liên vận quốc tế Hà Nội-Nam Ninh cũng ngừng chạy tàu từ ngày 5/2/2020.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khẳng định, dịch COVID-19 khi xảy ra đương nhiên ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, trong đó sâu rộng nhất là vận tải và thương mại dịch vụ.
“Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của đường sắt chắc chắn sụt giảm, bị ảnh hưởng tối thiểu khoảng 20% nên cần sớm từng bước kiểm soát dịch tốt để hoạt động vận tải trở lại bình thường, tuy nhiên cũng phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể khôi phục lại,” vị Chủ tịch VNR cho hay.
Khẳng định ngành đường sắt không thể cạnh tranh được với hàng không về giá vé, thời gian đi lại ở các chặng đường dài, ông Minh cho biết đường sắt sẽ tập trung chọn phân khúc có lợi thế ở các tuyến cự ly trung bình và ngắn.
Theo đó, VNR sẽ chuyển sang phân khúc các chặng đường ngắn còn lợi thế như Hà Nội-Quảng Bình, Sài Gòn-Nha Trang, Sài Gòn-Phan Thiết, Quảng Bình-Huế… có sự hấp dẫn với thị phần khách đi du lịch nhưng trong thời điểm dịch COVID-19 chắc chắn sẽ giảm đi và ngành đường sắt sẽ bù đắp bằng việc xây dựng biểu đồ hàng hóa tuyến dài.
Cụ thể, VNR sẽ từng bước tăng tỷ lệ vận tải hàng hóa để bù đắp vào vận tải hành khách đồng thời dành quỹ đường vận tải hành khách sang quỹ đường vận tải hàng hóa, hoặc mở thêm các tuyến container mới chạy tuyến Bắc-Nam.
Để thu hút hành khách đi tàu, ngành đường sắt đang thực hiện nhiều chính sách giảm giá vé trên các đoàn tàu tuyến Bắc-Nam, giảm mức phí đổi, trả vé cho học sinh, sinh viên, nhất là đối với các khu đoạn vốn đông khách như Hà Nội-Vinh…
Ngoài ra, đơn vị cũng ban hành chính sách khuyến mãi giảm giá trước cả năm, có ưu đãi đối với các đoàn tập thể, đơn vị du lịch theo nguyên tắc mua trước ngày đi tàu càng sớm, cự ly vận chuyển càng xa, số lượng người đi tàu càng đông, mức giảm giá vé càng cao, mức giảm có thể lên đến 50%./.
Việt Hùng (Vietnam+)
Theo: Viet Nam Plus