Kết thúc ngày làm việc 1/9, người dân khắp cả nước bước vào kỳ nghỉ dịp lễ Quốc khánh kéo dài 3 ngày (2-4/9).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong dịp này, Bắc và Trung Bộ trời nắng ấm, ít mưa, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35 độ C. Cùng lúc, Nam Bộ ngày nắng gián đoạn, có lúc mưa rào và dông.
Người dân đổ về bến xe Giáp Bát, Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu. |
-
16h30, tại bến xe Mỹ Đình lượng hành khách bắt đầu dồn về đông hơn nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy để tranh giành nhau lên xe.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình, cho hay do việc điều chuyển một số tuyến xe về bến Giáp Bát nên lượng khách năm nay không đông như mọi năm. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng có biện pháp tăng cường xe để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, trong đợt này hơn 50 xe được tăng cường”, ông Tuấn nói.
Mức giá vé cũng được giữ nguyên, các xe ra khỏi bến được kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng nhồi nhét khách. “Năm nay chúng tôi áp dụng máy quẹt thẻ khách để kiểm soát khách ra vào. Tuy nhiên, do mới đưa vào hoạt động nên vẫn còn nhiều hạn chế và vẫn đang cố gắng khắc phục trong thời gian tới”, ông Tuấn nói thêm. -
Đường qua bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm ùn tắc
17:30 Đường Giải Phóng, đoạn chạy qua bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm (Hà Nội) ùn tắc nghiêm trọng.
-
17h35, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm, cho biết lượng khách tại bến năm nay tăng gấp rưỡi so với đợt nghỉ lễ 2/9 hàng năm, do nhiều tuyến xe được điều chuyển về bến. Tuy nhiên, lượng khách về rải rác từ tối 31/8 nên không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Các xe đều đảm bảo số lượng khách theo quy định, không chèn khách. Giá vé không có sự thay đổi so với mọi năm. “Hiện tại chúng tôi tăng cường hơn 10 xe để đảm bảo nhu cầu của người dân về quê nghỉ lễ”, ông Lập nói thêm.Trao đổi với Zing.vn, chỉ huy đội CSGT số 7 (phòng 10, cục CSGT Hà Nội) cho biết tính đến thời điểm 17h30 lưu lượng phương tiện đi qua khu vực cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đang có xu hướng ngày một tăng cao tuy nhiên lường trước được tình hình, lực lượng đã có các phương án phân luồng từ xa nên tình trạng ùn tắc tại tuyến giao thông này chưa xảy ra. Vào giờ cao điểm nhất trong ngày các phương tiện sẽ phải di chuyển chậm.
CSGT Hà Nội đánh giá trong đêm nay và ngày mai (2/9) lưu lượng giao thông tại khu vực cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ tiếp tục còn tăng cao.
“Trong hôm nay và ngày mai, các tài xế nên có tính toán lịch trình, di chuyển vào các khung giờ hợp lý, tránh đi vào giờ cao điểm và phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của CSGT để giảm thiểu ùn tắc”, vị này nói.
-
Đường ra bến xe Miền Đông ở Sài Gòn kẹt cứng
17:40 Dòng xe nối hàng dài trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng về bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kẹt cứng. Theo ghi nhận của Zing.vn, xe cộ bắt đầu đông đúc từ lúc 15h cùng ngày. Dòng xe xếp hàng dài, nhích từng chút một, nhiều xe máy chen lấn giữa các ôtô để đi, một số khác leo lên vỉa hè khiến tình trạng giao thông hỗn loạn.
Theo đại diện Bến xe miền Đông, dịp lễ Quốc khánh năm nay dự báo lượng hành khách tăng đáng kể so với ngày thường. Cao điểm tập trung vào chiều tối 1/9 và sáng 2/9 trên một số tuyến Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang… Bến đã phối hợp với các đơn vị vận tải tăng cường khoảng 100 xe.
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, lễ này ga có thêm 11 chuyến tàu cho chặng Sài Gòn – Phan Thiết và Sài Gòn – Nha Trang. Phương án dự phòng cũng được ga tính đến nhằm tăng năng lực vận tải hành khách, phục vụ nhu cầu đi lại thực tế trong dịp lễ này.
Trong khi đó Xí nghiệp phà Thanh niên xung phong dự báo lượng người qua phà Bình Khánh và Cát Lái tăng gấp ba ngày thường. Vì vậy mỗi ngày sẽ có 280 chuyến phà qua lại giữa huyện Nhà Bè và Cần Giờ (ngày thường là 120 chuyến). Dịp này bến phà Bình Khánh sẽ vận hành toàn bộ 8 chiếc phà, bến Cát Lái huy động 11 chiếc phục vụ người dân 24/24.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) hướng về bến xe Miền Đông kẹt cứng. Ảnh: Lê Trai.
-
Cầu vượt giúp giảm ùn tắc trước sân bay Tân Sơn Nhất
Lúc 17h45, các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng vẫn thông thoáng, lượng phương tiện lưu thông bình thường. Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, từ 19h đến 24h tối mới là thời gian cao điểm các chuyến bay từ TP.HCM đi các tỉnh thành trên cả nước. Tình hình giao thông trước sân bay không ùn tắc như dự báo của người dân do hai cây cầu vượt trước sân bay đã hoạt động từ đầu tháng 7.
-
Lúc 17h30, ngã tư giao cắt Phạm Hùng – Tôn Thất Thuyết – Nguyễn Hoàn (đoạn trước cổng Bến xe Mỹ Đình) xảy ra tình trạng ùn ứ do đúng giờ cao điểm cộng với lượng xe khách xuất bến tăng. Trao đổi với Zing.vn, thượng úy Trần Quang Chinh, Đội phó đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an Hà Nội), cuối chiều 1/9, tại địa bàn đội quản lý không xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ.
“Khoảng 17h, từ tuyến đường Phạm Hùng hướng lên Phạm Văn Đồng chỉ xảy ra ùn ứ, đặc biệt tại đoạn trước cổng trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, đo nơi này đang bị rào đường để phục vụ xây dựng đường mới”, thượng úy Chinh cho biết.
Bến xe Mỹ Đình đông nghẹt khách cuối chiều 1/9. Ảnh: Hoàng Cư.
-
Xe cứu thương mắc kẹt
Đến 18h30, bến xe miền Đông vẫn đang ùn tắc. Dòng xe cộ nối đuôi nhau nhích từng chút từ cầu Bình Triệu đến hết đoạn đường Đinh Bộ Lĩnh. Một xe cứu thương bật còi hú, len lỏi giữa các phương tiện đang kẹt cứng để tìm lối thoát. Theo ghi nhận, một ôtô mang biển kiểm soát tỉnh Khánh Hòa tự gây tai nạn, nằm chắn 1 phần đường dưới chân cầu Bình Triệu khiến các phương tiện qua khu vực thêm khó khăn.
Xe cứu thương mắc kẹt giữa dòng xe cộ kẹt cứng trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) gần cổng bến xe Miền Đông. Ảnh: Lê Trai.
-
Hơn 19h, đường Phạm Văn Đồng tại giao lộ với Phan Văn Trị, Lê Quang Định hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất xe cộ lưu thông khó khăn.
Cùng lúc, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ ngã tư Hàng Xanh hướng về bến xe miền Đông kẹt cứng. Hàng nghìn xe đang nối đuôi nhau, nhích từng chút trên đường.
-
Khu vực cầu Chương Dương tắc nhiều giờ đồng hồ
20h, các phương tiện đặc biệt khó khăn khi di chuyển trên đường Trần Nhật Duật. Các phương tiện nối đuôi nhau nhích dần lên cầu Chương Dương. Đoạn rẽ lên cầu Chương Dương tắc nghẽn trong nhiều giờ đồng hồ.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này còn rất nhiều người dân đang rời Hà Nội về quê nghỉ lễ. Họ đem theo nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, cố gắng luồn lách để ra khỏi nội thành.
Đường rẽ lên cầu Chương Dương tắc nghẽn nhiều giờ đồng hồ. Ảnh: Trần Anh.
Theo: Zing News