Vụ lúa đông xuân năm nay, năng suất đạt như kỳ vọng, giá thu mua ở mức cao, đầu ra tương đối ổn định khiến nông dân rất phấn khởi.

Bán lúa tươi tại ruộng

Chiều 3-4, đang thu hoạch lúa trên cánh đồng Gò Trại của xã Diên Thạnh, Diên Khánh, ông Nguyễn Bưng cho biết: “Đây là ngày đầu tiên nhà tôi thu hoạch. Năm nay một sào (500m2) thu được 6 bao lúa, trong khi nhiều năm trước thu được 5 bao là đã đạt lắm rồi. Do chân ruộng nơi đây không được đẹp nên năng suất thấp hơn một số nơi khác, cũng ở Diên Thạnh nhưng một số nơi thu được 8 bao lúa trên mỗi sào”. Như vậy, ước tính mỗi héc-ta lúa (10.000m2), người dân nơi đây thu về từ 6 – 8 tấn lúa. Theo ông Bưng, hầu hết lúa trên cánh đồng này đều được mua tại ruộng. Có người bán cho công ty, người bán cho thương lái. Nông dân bây giờ không còn phải khổ cực phơi lúa như trước. Sau khi thu hoạch, chở lúa về tập kết ở một khu vực nào đó, sẽ có người tới thu mua lúa tươi.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Nông dân xã Diên Thạnh thu hoạch lúa trên cánh đồng Gò Trại.

Nông dân xã Diên Thạnh thu hoạch lúa trên cánh đồng Gò Trại.

Ngược theo Quốc lộ 27C (đường Cao Bá Quát – Cầu Lùng), qua địa bàn các xã: Diên Lạc, Diên Hòa, Diên  Thọ, nhiều diện tích đang được nông dân tập trung thu hoạch. Điều dễ nhận thấy đó là hệ thống đường giao thông nội đồng khu vực này đã được đầu tư khá bài bản, các loại xe ô tô, máy thu hoạch, máy cuộn rơm… đều có thể dễ dàng vào sâu các chân ruộng để thu hoạch, vận chuyển lúa. Theo UBND xã Diên Thọ, diện tích lúa đông xuân toàn xã là 230ha, năng suất ước đạt trên 70 tạ/ha, đây là con số phấn khởi và ở mức cao so với trung bình nhiều năm. Hầu hết diện tích lúa ở Diên Thọ đều được Công ty Cổ phần Giống Đông Nam thu mua lúa giống tươi tại ruộng với giá khoảng 5.600 đồng/kg.

Theo một số nông dân đang thu hoạch lúa tại Diên Hòa, công đoạn phơi lúa đòi hỏi nhiều công sức, vì vậy, việc bán lúa tươi được nhiều hộ lựa chọn, giá có thấp hơn một chút nhưng bù lại thu hoạch nhanh, người dân còn dành thời gian để cải tạo đất, xuống giống vụ mới. Trao đổi với một thương lái đang thu mua lúa ở khu vực tập kết trên cánh đồng, chúng tôi được biết các thương lái cũng là chân rết của một số đơn vị chế biến gạo lớn trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở chế biến này đã đầu tư máy sấy lúa, sân phơi quy mô nên công đoạn làm khô lúa thuận tiện, chuyên nghiệp hơn.

Lan tỏa sản xuất lúa theo hợp đồng

Ông Võ Hùng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Diên Hòa cho biết, diện tích lúa đông xuân của HTX là 243ha, trong đó có 120ha lúa giống, còn lại là lúa thương phẩm. Hầu hết diện tích này đều đạt năng suất khoảng 75 tạ/ha. Giá bán từ 5.500 đồng đến 5.800 đồng/kg đối với lúa tươi; còn lúa 1 nắng giá cao hơn so với lúa tươi khoảng 200 đồng/kg. Với 90% giao thông nội đồng đã được cứng hóa, toàn bộ diện tích đều đã được thu hoạch, vận chuyển bằng cơ giới một cách thuận tiện. Lúa giống được các công ty ở Ninh Thuận thu mua tươi tại ruộng, còn lúa thương phẩm được các thương lái thu mua sau khi phơi 1 nắng. Hoạt động cơ giới hóa, ký kết tiêu thụ đã giúp cho người trồng lúa không còn quá vất vả như trước.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích lúa đông xuân toàn tỉnh năm nay là 20.000ha, hiện đã thu hoạch được khoảng 1.200ha, năng suất bình quân ước đạt 61 tạ/ha. Giá bán lúa tương đối ổn định giúp cho nông dân có lãi bình quân từ 15 – 20 triệu đồng/ha. Hiện toàn tỉnh đã có hàng nghìn héc-ta lúa được sản xuất trên cơ sở ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp thông qua các HTX. Chưa kể hình thức thương lái đến tận chân ruộng thu mua cũng ngày một nhiều hơn.

Thời điểm này, nông dân thị xã Ninh Hòa cũng đang bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân, với khoảng 1.500ha đã thu hoạch trong gần 9.000ha lúa. Theo ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, năng suất lúa bình quân ước đạt khoảng 60 tạ/ha, giá lúa dao động từ 6.000 đến 6.500 đồng/kg tùy thời điểm, nhỉnh hơn so với năm trước. Hiện nông dân vẫn chủ yếu bán cho thương lái theo hình thức lúa khô. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những thương lái đến mua tận chân ruộng, chưa kể một số HTX thu mua lúa tươi của thành viên rồi tổ chức phơi – sấy khô bán ra thị trường.

Theo ông Lương Công Vân – Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang, đây là thời điểm HTX tập trung thu mua lúa chất lượng cao (Đài Thơm 8) của các thành viên. Hiện Nhà nước đang đầu tư xây dựng sân phơi có khả năng phơi 1 lượt được 10 tấn lúa, kho chứa có khả năng tích trữ 300 tấn lúa. Sau khi đầu tư sẽ giao cho HTX quản lý, sử dụng, dự kiến bắt đầu từ vụ hè thu tới. Ngoài ra, HTX đã đầu tư hệ thống xay xát, máy sấy lúa… Đây là điều kiện cần thiết để HTX mở rộng đầu tư kinh doanh, cung cấp gạo Ngọc Quang chất lượng cao ra thị trường một cách đều đặn, quanh năm. Thời gian qua, một số siêu thị, cửa hàng lương thực sạch trong tỉnh có đặt hàng sản phẩm gạo Ngọc Quang. Bởi vậy, thời gian tới, HTX tiếp tục tìm hướng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thu mua được nhiều lúa hơn cho các thành viên.

Diên Khánh được đánh giá là địa phương dẫn đầu về hình thức sản xuất lúa theo hợp đồng ký kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, cụ thể là với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam và Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố (đều ở Ninh Thuận). Hiện toàn huyện có trên 800ha lúa đã được ký hợp đồng, chiếm khoảng 40% diện tích sản xuất mỗi vụ. Ước tính có 11 HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Diên Khánh đã tiếp cận được với phương thức ký kết bao tiêu sản phẩm này.

Hồng Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa