Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương đảng làm Trưởng Đoàn ngày 13-2 đã tới kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (Covid-19) và đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại sân bay Nội Bài.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh làm việc với lãnh đạo Vietnam Airlines và ACV – Ảnh:VNA
Báo cáo Đoàn công tác, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết hiện nay, theo nhiệm vụ được phân công, Vietnam Airlines đang triển khai các bước chuẩn bị để tổ chức một loạt chuyến bay chở hành khách là người Trung Quốc bị kẹt ở Việt Nam (hiện có khoảng hơn 1.000 người) ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc về Thành Đô, Quảng Châu (Trung Quốc). Vietnam Airlines đang tích cực thực hiện với phương châm bay vào vùng dịch bệnh phải bảo đảm tuyệt đối an toàn dịch tễ. Chuyến bay vừa qua đến tâm dịch Vũ Hán đã được hoàn thành an toàn, hiện tổ bay đang được cách ly chủ động 7 ngày. Các cách làm đợt tới với tiếp viên, phi công, kỹ sư… cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn đó.
Được biết, sẽ có khoảng 10 chuyến bay chở khách Trung Quốc về nước, chiều từ Trung Quốc về Việt Nam là các chuyến bay không chở khách (bay rỗng). Tuy nhiên, con số có thể sẽ có thay đổi tùy vào lượng khách cụ thể có nhu cầu về Trung Quốc.
Báo cáo đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, ông Thành cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hiệu quả sản xuất kinh doanh rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với dịch SARS. Ảnh hưởng trong thời gian tới dựa vào giả định về mức độ tiếp tục lan tỏa hay kiềm chế của dịch bệnh. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, dịch cúm sẽ cắt khi mùa hè đến, nên Vietnam Airlines đưa ra kịch bản và những giải pháp dài nhất là đến tháng 5-2020.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết đến nay, theo tính toán sơ bộ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiệu quả sản xuất kinh doanh đã suy giảm 20% so với bình thường (không phải so với cao điểm dịp Tết). Ví dụ như ở sân bay Nội Bài, cao điểm Tết là 680 lượt chuyến/ngày, hiện nay chỉ là 530 lượt chuyến/ngày.
Đoàn công tác kiểm tra việc theo dõi tình trạng hành khách bằng máy đo thân nhiệt 24/24 ngay tại sân bay Nội Bài – Video: Dương Ngọc
“Vừa qua là khách đã đi rồi, bắt buộc phải về, còn đã về nguyên vị trí là không ai đi lại nữa. Khách quốc tế chỉ còn chiều ra, không có người đến mới. Sắp tới nếu không có người đến mới sẽ không ai ra nữa. Sân bay Cam Ranh với 60% khách quốc tế hiện nay vắng hoe. Nếu đợi đến đỉnh dịch mới có thể đánh giá, nếu là tháng 4 ảnh hưởng tối thiểu là 30%, còn nếu dịch kéo dài hơn thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa. Sắp tới chúng tôi sẽ phải điều chỉnh kế hoạch, đồng thời phối hợp với các hãng hàng không tìm giải pháp kích cầu”- ông Thanh báo cáo.
Theo người đứng đầu ACV, sau khi xảy ra dịch SARS, ngành hàng không đã rút ra kết luận nếu chúng ta phụ thuộc quá vào một thị trường, khi thị trường đó có vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn. Ngành hàng không đã tái cơ cấu thị trường để nếu một thị trường bị ảnh hưởng thì ngành cũng không bị ảnh hưởng quá mạnh tới mức sụp đổ. Với đợt dịch này, ACV cũng đặt vấn đề tái cơ cấu thị trường, ví dụ như việc điều phối slot ở Tân Sơn Nhất để tăng cường các thị trường khác trong khi thị trường Trung Quốc trống vắng (bình thường các thị trường mới để “vào” được Tân Sơn Nhất là rất khó khăn), phối hợp các hãng hàng không để có giải pháp “chung lưng đấu cật” trong giai đoạn khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực…
Đoàn công tác kiểm tra việc theo dõi tình trạng hành khách bằng máy đo thân nhiệt 24/24 ngay tại sân bay Nội Bài – Ảnh: Dương Ngọc
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh chỉ đạo Vietnam Airlines và ACV nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị của Lãnh đạo Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí, triển khai các phương án khai thác hợp lý giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận… của hai Tổng công ty.
Đồng thời, đảm bảo việc lưu thông hành khách tới các thị trường không bị ảnh hưởng và nghiên cứu xây dựng các kịch bản kinh doanh, thị trường mới trên cơ sở diễn biến cập nhật của dịch bệnh và biến động của thị trường hàng không.
Tân Sơn Nhất đo thân nhiệt hành khách cả ở chuyến bay nội địa
Đoàn công tác đã tiến hành thực địa công tác tổ chức các khâu phòng, chống dịch của Vietnam Airlines và ACV tại sân bay Nội Bài.
Đoàn công tác đã tiến hành thực địa công tác tổ chức các khâu phòng, chống dịch của Vietnam Airlines và ACV tại sân bay Nội Bài – Ảnh:VNA
Cụ thể các hành khách từ các vùng dịch khi nhập cảnh/ hành khách xuất cảnh đều được theo dõi bằng máy đo thân nhiệt 24/24 ngay tại sân bay, khi phát hiện trường hợp sốt, sẽ được đưa đến phòng cách li và theo dõi; tổ chức các bảng khuyến cáo bằng 3 thứ tiếng cũng như bố trí cán bộ trực về đường dây nóng để hướng dẫn hành khách khi hành khách cần giải đáp hướng dẫn đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát tại cộng đồng; xây dựng kịch bản chi tiết để xử lý các tình huống đó, tiến hành tập dượt các phương án phân luồng, cách ly hành khách, tàu bay có khách bị nhiễm virus nCoV; yêu cầu các nhân viên đeo khẩu trang và nhắc nhở các hành khách dùng khẩu trang trong khu vực sân bay và trên máy bay.
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết ACV đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, cố gắng giữ để hệ thống cảng hàng không của Việt Nam là nơi an toàn. Đã tiến hành đo thân nhiệt ở các nhà ga quốc tế, hiện đang bắt đầu triển khai đo ở nhà ga quốc nội, như ở sân bay Tân Sơn nhất đã bắt đầu triển khai. Đến nay, từ các cảng hàng không đã phát hiện để tiến hành cách ly đối với 118 hành khách song chưa ai bị nhiễm virus corona mới.
Theo: Người Lao Động