Cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các vườn dừa trong tỉnh. Người trồng dừa đang cố gắng khắc phục thiệt hại nhưng nguồn dừa giống hiện rất khan hiếm.
Các vườn dừa thiệt hại nặng
Trở lại tổ dân phố Vạn Thiện, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa – “thủ phủ” của giống dừa ngon đã có thương hiệu, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những vườn dừa tan tác, xác dừa ngổn ngang. Bà Hồ Thị Tuyết – người dân trong tổ cho biết, vườn dừa của gia đình hơn 60 cây, có tuổi đời từ 16 đến 17 năm tuổi, mỗi năm cho thu nhập 50 – 60 triệu đồng bị bão quật tan tác. Gần nhà bà Tuyết, vườn dừa của anh Trần Thắm với gần 100 cây 8 năm tuổi, mỗi tháng cho thu nhập 5 – 6 triệu đồng đổ ngã toàn bộ. “Lâu nay, nhờ lợi tức từ vườn dừa, cuộc sống của gia đình tôi tạm ổn, bây giờ mất trắng nên gặp không ít khó khăn”, anh Thắm nói.
Thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) nổi tiếng với giống dừa ngon, ngọt thanh cũng bị bão càn quét khiến cả thôn điêu đứng. Hầu hết thân dừa đều bị gãy, trốc gốc, số nhẹ hơn bị nghiêng, khó hồi phục. Ông Trần Thế Dương – người dân trong thôn cho biết, bão đã làm thiệt hại vườn dừa của ông hàng trăm triệu đồng. Đây là vườn dừa mẫu, được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) triển khai đề tài nghiên cứu về năng suất, chất lượng dừa.
Theo ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, cơn bão vừa qua đã gây thiệt hại toàn bộ vườn dừa ở thôn Tuần Lễ, tổng cộng 11ha với hàng trăm cây dừa đang độ tuổi cho thu hoạch ổn định, thiệt hại cả tỷ đồng. Riêng vườn dừa được Sở KH-CN triển khai đề tài bị ảnh hưởng rất nặng, có khả năng làm gián đoạn việc thu thập, nghiên cứu.
Ông Lê Mười – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Đa cho biết, vườn dừa là nguồn thu nhập ổn định của nhiều gia đình trên địa bàn xã. Tuy nhiên, việc khôi phục lại vườn dừa như trước không dễ vì phải mất nhiều thời gian, có khi cả chục năm. Hội Nông dân phường kiến nghị các cấp xem xét, miễn lãi và giảm gốc vay 30% từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (khoảng 300 triệu đồng) đã hỗ trợ cho Tổ hợp tác trồng dừa Vạn Thiện.
Thiếu nguồn giống
Bà Bùi Thị Thu Hiền – Trung tâm Ứng dụng KH-CN, Sở KH-CN: Đề tài nghiên cứu về năng suất và chất lượng dừa tiến hành tại 4 địa phương gồm: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa và Vạn Ninh. Đề tài bố trí theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển, chất lượng dừa, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình. Hiện nay, các vườn dừa trong đề tài đều bị thiệt hại, song nặng nhất là tại Ninh Hòa và Vạn Ninh, trong đó có Vạn Thiện và thôn Tuần Lễ. Hiện nay, theo yêu cầu của sở, đề tài ghi nhận tổn thất và tiếp tục thực hiện đối với những cây còn lại, đồng thời trồng mới những cây đổ, ngã. |
Hiện nay, người trồng dừa đang đối mặt với tình trạng thiếu dừa giống để khôi phục vườn dừa sau bão. Ông Nguyễn Xuân Giàu – người có thâm niên trong nghề trồng dừa ở Vạn Thiện cho biết: “Thời điểm này các vườn đã xuất bán từ trước nên không còn dừa giống. Làm dừa giống rất công phu, từ khâu chọn dừa mẹ đến việc dưỡng trái dừa trên cây, đợi trái già, khô mới chuyển ra vườn ươm. Từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch là thời gian dừa được chọn trên cây, tháng 2 mới đưa xuống vườn ươm, 3 tháng sau mới có dừa giống đạt tiêu chuẩn đưa ra trồng, tổng thời gian mất 6 tháng. Tuy nhiên trong thời điểm này, khi các cây dừa còn lại hầu hết đều bị xiêu vẹo, nghiêng ngả, nếu chọn dừa sẽ không đủ sức nuôi trái cho đến lúc già”.
Tương tự, tại thôn Tuần Lễ, người dân cũng rất khó khăn trong việc gây dựng lại vườn dừa. Ông Dương cho biết, 70% vườn dừa hư hại không có giống trồng lại, buộc bà con phải tìm giống. Hiện tại, Tuần Lễ vẫn còn dừa giống nhưng còn nhỏ, mới nhú đọt non chừng nửa gang tay, phải đợi một thời gian nữa mới trồng được. Giá dừa giống tại các vườn hiện nay khoảng 100.000 đồng/cây.
Được biết, hiện nay, dừa giống tại các nơi không thiếu, song trồng dừa trong tỉnh đang sở hữu giống dừa ngon nên không thể lấy giống từ nơi khác. Dừa Vạn Thiện hay Tuần Lễ đều là những nơi sản sinh giống dừa mang đặc thù của vùng đất, trong đó dừa Vạn Thiện đã được cấp chứng nhận thương hiệu địa lý.
Vĩnh Lạc
Theo: Báo Khánh Hòa