Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Du lịch biển đảo: Chuyển hóa tiềm năng, lợi thế thành hiệu quả kinh tế

Một góc đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: TTXVN)

Sau hơn một thập kỷ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020,” kinh tế biển của đảo ngọc Phú Quốc đã có những bước phát triển khá toàn diện, trở thành huyện “giàu nhất” của tỉnh Kiên Giang, và là “điểm sáng” của cả nước về phát triển kinh tế biển xanh, tận dụng lợi thế du lịch biển đảo.

Không chỉ Kiên Giang, du lịch biển đảo gần một thập kỷ qua đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế biển của các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh và trong những năm gần đây là Phú Yên, Quy Nhơn…

Thực tế cũng cho thấy, với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Những “cú chuyển mình” kỳ diệu…

Đảo ngọc Phú Quốc những ngày cuối tháng Tư nhộn nhịp hơn ngày thường, bởi nơi đây đang tất bật đón một lượng lớn khách du lịch đổ về dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Chưa bao giờ Phú Quốc lại thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước như bây giờ. Trên 4 triệu lượt khách ghé thăm trong năm 2018 là kết quả đáng nể, vượt hơn 1 triệu lượt so với 2017.

Một đảo Ngọc cách đây vài ba năm còn đìu hiu, thưa vắng du khách, giờ đã trở thành “viên ngọc” sáng trên quả địa cầu thế giới. Điều gì đã tạo nên “cú chuyển mình” kỳ diệu ấy ở huyện đảo Phú Quốc?

[Hành trình ‘khai sáng’ tư duy hướng mạnh ra biển, giàu lên từ biển]

Đáp án mà dường như ai cũng nhận thấy đó chính là hệ thống nghỉ dưỡng “mọc” lên san sát khắp vùng đảo Ngọc. Từ chỗ chỉ có những làng chài xơ xác bên bãi biển, ngày nay Phú Quốc đã bước sang đẳng cấp khác khi sở hữu hàng loạt dự án tầm cỡ. Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn đã được đầu tư xây dựng phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế như khu Vinpearl, khu Safari…

Tuy nhiên, một trong những bứt phá mạnh mẽ nhất của huyện đảo Phú Quốc là đầu tư khai thác tiềm năng du lịch vùng ven biển và hải đảo. Trong đó, nhiều dự án, công trình quan trọng đã được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước. Kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo cũng được quan tâm đầu tư, như các công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống cảng biển, trường học, trạm y tế và các dự án phát triển du lịch mang tầm quốc tế.

Từ khi có những sản phẩm du lịch xứng tầm, lượng khách lớn không ngừng đổ về Phú Quốc, riêng khách ngoại năm 2018 tăng 68,4% so với năm 2017. Cộng với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, hoàn thiện với sân bay, cảng biển, đường quanh đảo ngày càng cải thiện…

Tương tự Phú Quốc, vài năm trước đây, khu vực ven biển Nhơn Lý- Eo Gió vẫn chỉ là những đồi cát hoang trập trùng nắng gió, còn Quy Nhơn chỉ là điểm trung chuyển để du khách dừng chân tạm thời trước khi đến với những địa danh nổi tiếng hơn. Bình Định vẫn là một địa danh “lạ” trên bản đồ Việt Nam.

Nhưng rồi, theo những con đường mới mở, sự thay đổi đã bắt đầu hiện hữu. Cây và hoa được mang đến phủ xanh trên những cồn cát trắng, tiếp đó là sự xuất hiện của khách sạn, sân golf, hồ bơi… Cùng với các khu resort, khách sạn một luồng sinh khí tươi mới tràn vào không gian xưa chỉ toàn nắng, gió và cát bụi.

Không lâu sau, Quy Nhơn trở thành điểm đến ưa thích của người dân trong và ngoài nước. Nhờ có du lịch, cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện đáng kể, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Năm 2018, tỉnh Bình Định đón hơn 4 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.301 tỷ đồng, tăng 54,7% so với năm 2017, vượt chỉ tiêu đề ra 35,8%.

Không chỉ đóng góp vào ngân sách của các tỉnh, thành phố có biển, du lịch đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong tỉnh.

Thành công của Phú Quốc, Quy Nhơn đã đánh thức nhiều “nàng công chúa đang ngủ” ở Phú Yên, Hà Tĩnh… cựa mình thức giấc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Du lịch biển đảo – mũi nhọn ngày càng sắc

Việt Nam là một trong số các nước có biển dài và rộng trên thế giới. Vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, có bờ biển dài 3.260 km.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững châu Á tại Việt Nam, Ủy viên hội đồng Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, Việt Nam đã dành sự quan tâm nhiều hơn cho biển với các chiến lược phát triển kinh tế biển, phát triển dải đô thị biển và dự án nối liền mạch tuyến đường bộ ven biển chạy qua 28 tỉnh thành bắt đầu từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với tổng chiều dài 3.041km được khởi động.

Từ sau năm 1995, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, nhận thấy tiềm năng du lịch biển đảo đầy hứa hẹn, trong những năm gần đây hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú ven biển của nước ta cũng được đầu tư phát triển.

Tính đến nay, khu vực ven biển đã có hơn 1.400 cơ sở lưu trú cung ứng gần 50.000 buồng.
Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng mỗi năm.

[Việt Nam đủ điều kiện trở thành một cường quốc biển mạnh]

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trong giai đoạn 2000-2010, tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch tại các địa phương giáp biển là 75,3%, hay tính trung bình trên 75% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chọn du lịch biển đảo. Đối với khách du lịch trong nước, tỷ trọng này khiêm tốn hơn song cũng chiếm 54,5% tổng lượng khách du lịch trong nước.

Từ năm 2000 đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã tăng trưởng khá trong cả doanh thu và số lượt khách du lịch. Đóng góp một vị thế quan trọng vào sự phát triển này là du lịch biển.

Năm 2018, ngành du lịch đã đón khoảng 15,6 triệu khách quốc tế đến, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Theo thống kê, trung bình trên 75% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo và 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển, đóng góp tới 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước.

Tốp 20% các địa phương dẫn đầu chiếm tỷ trọng 75,8% tổng doanh thu du lịch lữ hành và trong tốp này tỷ lệ các địa phương giáp biển đã chiếm đến gần 82%.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới nhất đầu năm 2017 và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch.

Đây là kết quả từ sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển trên lộ trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước./.

Bài 5: Ngành thủy sản vươn ra đại dương để phát triển kinh tế biển

P.V (Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus