Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Dự án du lịch làm “nóng” nghị trường

Nhiều lo ngại về việc bảo tồn Khu di tích Lầu Bảo Đại

Khu di tích Lầu Bảo Đại được ghi vào danh mục di tích – thắng cảnh của Khánh Hòa từ năm 1995. Tuy nhiên đến nay, khu di tích này chưa được xếp hạng. Việc triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại (Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà làm chủ đầu tư) đã ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan danh thắng này. Đại biểu Đoàn Minh Long đặt câu hỏi: “Hồ sơ di tích đã được tiến hành đến đâu? Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại có ảnh hưởng đến cảnh quan của thắng cảnh này hay không?”.

Khu di tích Lầu Bảo Đại bị đào xới nhiều nơi.

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Khắc Hà – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) cho biết, sở đã và đang tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học cho di tích Lầu Bảo Đại theo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa như: viết lý lịch di tích, chụp ảnh khảo tả, kiểm kê hiện vật và lập bảng thống kê hiện vật, thực hiện các bản vẽ kỹ thuật di tích… Hiện tại, sở đã kiểm kê, niêm phong 42 hiện vật lưu giữ ở Khu di tích Lầu Bảo Đại. Theo thẩm định của các chuyên gia khảo cổ, trong 42 hiện vật này chỉ có 10 hiện vật niên đại nửa đầu thế kỷ XX, có thể do gia đình vua Bảo Đại sử dụng; còn lại là các hiện vật mô phỏng có niên đại cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Sắp tới, Sở VH-TT sẽ trình hồ sơ, xin ý kiến UBND tỉnh về xếp hạng di tích.

Theo Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị vịnh Nha Trang được UBND tỉnh phê duyệt năm 2011 (có ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), Khu biệt thự Bảo Đại là “Khu vực có giá trị về cảnh quan và lịch sử… Khu vực này được quy hoạch thành một resort hiện đại nhưng thân thiện với môi trường, với một số phòng nghỉ nằm chìm trong vách đá, không ảnh hưởng đến cảnh quan lịch sử của khu biệt thự. Dành một phần khu biệt thự cổ để du khách tham quan”. Tuy nhiên, theo giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại được phép xây mới khách sạn 5 tầng với 108 phòng nằm dọc theo sườn núi; xây mới 36 căn biệt thự cao cấp và các hạng mục phụ trợ (phòng hội nghị, khu spa, bể bơi, bến du thuyền, sân tập golf…).

Đại biểu Nguyễn Ngô – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đặt vấn đề, quy hoạch là “resort thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến cảnh quan” nhưng nhà đầu tư đã cho cạo trọc đồi Cảnh Long, điều này có hợp lý hay không? Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Minh Long đề nghị UBND tỉnh xem lại thiết kế dự án, bởi theo thiết kế mật độ xây dựng quá dày.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hà cho biết, chiếu theo quy hoạch trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải: “Bảo tồn và tôn tạo 5 ngôi biệt thự theo hướng không được phá vỡ kiến trúc cũ bên trong, bên ngoài công trình và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên xung quanh; giữ gìn và trưng bày các tư liệu hiện vật liên quan” và “Không thực hiện công trình Trung tâm Hội nghị theo đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt trước đây”. Sở VH-TT sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ dự án. Đồng thời, sở sẽ đề nghị chủ đầu tư có giải pháp thi công phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng cảnh quan xung quanh.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Dẽ – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã yêu cầu nhà đầu tư chỉnh sửa thiết kế khách sạn theo hướng hạ độ cao ngang bằng với nền của 5 ngôi biệt thự, điều chỉnh mái biệt thự thành mái bằng để phủ cỏ tạo cảnh quan đẹp. Khi dự án hoàn thành, các công trình sẽ hài hòa với cảnh quan nơi đây.

Kết lại vấn đề, ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “UBND tỉnh phải chỉ đạo khẩn trương để hoàn thành dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng của tỉnh là tạo điều kiện, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án, làm yên lòng dư luận”.

Xử lý các dự án chậm tiến độ?

Tại phiên họp, vấn đề các dự án du lịch chậm tiến độ, lãng phí tài nguyên du lịch cũng được đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thị Hoàng Diệp đặt câu hỏi:

“Khu đất số 48-48A Trần Phú, TP. Nha Trang đã bị bỏ hoang 10 năm qua. Năm 2016, UBND tỉnh đã có chủ trương đấu thầu khu đất này, vậy kết quả đấu thầu ra sao”?

Ông Trần Hòa Nam – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Năm 2008, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam trúng đấu giá lô đất trên. UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao đất. Tuy nhiên, sau 8 năm, công ty không thực hiện các thủ tục và đầu tư xây dựng dự án. Tháng 9-2015, UBND tỉnh đã thu hồi khu đất này, giao cho Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới. Tháng 1-2018, Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh đã xét thầu với 3 hồ sơ dự thầu; tuy nhiên, không có nhà đầu tư nào đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao các sở, ban, ngành rà soát, tham mưu về hình thức lựa chọn nhà đầu tư sao cho đảm bảo hiệu quả và phù hợp quy định.

Cũng trong phiên họp, các đại biểu phản ánh dự án Khu du lịch (KDL) Ba Hồ được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 từ tháng 6-2009, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Năm 2017, nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng trước ngày 30-9-2018; nếu vi phạm tiến độ nhà nước có quyền thu hồi dự án, không trả tiền ký quỹ, không bồi hoàn các chi phí mà nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án. Về vấn đề này, ông Trần Hòa Nam cho biết: Theo báo cáo của nhà đầu tư, tiến độ dự án chậm là do ảnh hưởng của cơn bão số 12 năm 2017. Hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thiện thêm một số công trình và cam kết tiến độ mới. Sở sẽ giám sát chặt chẽ, nếu nhà đầu tư còn chậm tiến độ sẽ tiến hành thu hồi dự án theo cam kết.

Đại biểu Đoàn Minh Long đặt câu hỏi “Dù chưa đi vào hoạt động nhưng từ nhiều năm qua KDL Ba Hồ đã thu vé 50.000 đồng/người. Điều này có đúng quy định hay không?”. Trả lời vấn đề này, ông Vĩnh Thông – Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính cho biết: Theo quy định, tổ chức cung ứng dịch vụ du lịch được quyền bán giá vé tham quan nếu có sản phẩm du lịch có giá trị tương ứng. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm niêm yết giá, bán theo giá niêm yết và xuất hóa đơn cung cấp theo quy định hiện hành. Trường hợp nếu thu phí tham quan danh lam thắng cảnh thì phải được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định cụ thể. Từ trước đến nay, HĐND tỉnh chưa ban hành Nghị quyết quy định về mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan danh lam thắng cảnh KDL Ba Hồ. Hiện nay, KDL Ba Hồ chưa đi vào hoạt động (chưa có sản phẩm), như vậy, việc nhà đầu tư thu phí tham quan ở đây là không đúng quy định.

Kết luận phiên họp, ông Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án, giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án. Nếu nhà đầu tư không mặn mà, không tích cực triển khai dự án thì tiến hành thu hồi theo quy định.

XUÂN THÀNH

Theo: Báo Khánh Hòa