Sau khi Bộ Giao thông Vận tải có quyết định không đấu thầu quốc tế mà “dành đất” cho nhà đầu tư trong nước đấu thầu cao tốc Bắc-Nam, đại diện các cơ quan và chuyên gia giao thông cho rằng, nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đủ sức thi công.
Tuy nhiên, điểm lấn cấn duy nhất được các chuyên gia chỉ ra đó là vấn đề khó khăn về mặt tài chính nên có thể các nhà đầu tư sẽ liên danh với nhau để có thể lọt qua kết quả sơ tuyển.
Cơ hội nhà đầu tư nội như nhau
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối tháng Bảy vừa qua, sau 2 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Theo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, một dự án có từ 2 nhà đầu tư và một dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
“Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ tuyển với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP-Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong nước vẫn sẽ không thay đổi mà làm theo luật Đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[Cao tốc Bắc-Nam: Cơ hội nào cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế?]
Theo đó, nhà đầu tư trong nước đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ (như vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét;…)
“Những nhà đầu tư nào đủ tiêu chí sẽ đều được tham gia vào vòng sơ tuyển dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông,” ông Huy nhấn mạnh.
Với quy định “nhà đầu tư phải thực hiện dự án trước đó có tổng mức đầu tư đạt 50% tổng mức đầu tư của các dự án đang xét,” theo ông Huy, nếu không đáp ứng, nhà đầu tư có thể liên danh (liên danh Vingroup, Sun Group hay Tasco vì có những công trình nghìn tỷ không nhất thiết phải là đường bộ), trong trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của nhà đầu tư liên danh sẽ là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh.
Ông Huy cũng cho biết: “Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ngồi họp bàn với một số cơ quan, bộ ngành để làm việc về vấn đề này. Dự án cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông sẽ tiến hành sơ tuyển lại, dự kiến bắt đầu từ tháng Mười tới và đầu năm 2020 sẽ có kết quả.”
Giải bài toán tài chính nhờ liên danh đầu tư
Ông Đặng Đại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư đánh giá, năng lực và kỹ thuật thi công của các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được yêu cầu của đoạn tuyến tại dự án.
“Các nhà đầu tư trong nước chỉ cần quan tâm đến nguồn vốn ngân sách của 8 đoạn tuyến phía Đông, Nhà nước cam kết đảm bảo 30% trong tổng vốn đầu tư. Như vậy, 8 đoạn tuyến này chủ đầu tư đảm bảo 20% còn lại là nguồn vốn vay tín dụng. Với 20% này thì các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đáp ứng. Còn về kỹ thuật, các nhà đầu tư trong nước đã thực hiện nhiều tuyến cao tốc và cầu lớn, hầm đường về mặt kỹ thuật hoàn toàn đáp ứng yêu cầu,” ông Đại bày tỏ sự tin tưởng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải – chuyên gia giao thông cho hay, dự án trọng điểm của quốc gia như cao tốc Bắc-Nam nên dành “đất” ưu tiên cho các nhà thầu Việt Nam là quyết định sáng suốt, giúp đảm bảo chất lượng, thậm chí còn có thể giảm bớt được chi phí.
[Cao tốc Bắc-Nam: Nhà đầu tư trong nước yếu thế so với nước ngoài?]
Bên cạnh đó, ông nhìn nhận, việc đóng cửa đấu thầu quốc tế trong bối cảnh có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm dự án sẽ giúp loại bỏ nguy cơ lặp lại một dự án tương tự như đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
“Có ít nhà đầu tư quốc tế quan tâm và tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc-Nam có thể là do các nhà đầu tư chưa đủ điều kiện tham gia hoặc lo sợ khó khăn về các vấn đề thủ tục, vốn, lãi suất… hoặc cũng có thể do dự án chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài,” ông Thủy đặt ra các nghi vấn.
Tuy vậy, ông Thủy cũng cho rằng, các nhà thầu trong nước sẽ gặp không ít khó khăn về mặt tài chính và kinh nghiệm khi triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt phải liên kết, phối hợp với nhau để giải quyết các bài toàn khó khi thực hiện dự án.
Đánh giá về khả năng của các nhà đầu tư trong nước, ông bày tỏ sự tin tưởng Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được như Tổng công ty Sông Đà, các Cienco (các tổng công ty xây dựng công trình giao thông), Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Trường Sơn… Đây đều là những doanh nghiệp có đủ thiết bị, công nghệ và đặc biệt là có kinh nghiệm trong việc thực hiện các công trình lớn.
“Các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sun Group, T&T… có thể liên danh với các doanh nghiệp xây dựng đường sá sẽ giúp chúng ta vừa có đủ nguồn lực tài chính, lại vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn về kinh nghiệm để có thể hoàn thành tốt dự án cao tốc Bắc-Nam,” ông Thủy hiến kế./.
Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52/2017 có chiều dài 654km. Dự án có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2. Có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT là Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây. |
Việt Hùng (Vietnam+)
Theo: Viet Nam Plus