Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Động thổ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1

Ngày 6-10, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chính thức động thổ sau 12 năm chờ đợi. Đến dự có các ông: Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu nhấn nút động thổ dự án.
Dự án công nghiệp lớn nhất từ trước đến nay
Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD. Theo kế hoạch, cả 2 tổ máy với tổng công suất 1.320MW sẽ được hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023. Mỗi năm, nhà máy dự kiến cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh. Lượng điện này được truyền tải thông qua đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng cho khu vực miền Nam.
Dự án này được triển khai từ năm 2007, nhưng đến tháng 7-2017 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tháng 10-2018, dự án chính thức ký kết hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện và được cấp bảo lãnh của Chính phủ. Đây là một trong những hợp đồng thuộc văn kiện hợp tác đã được Việt Nam và Nhật Bản trao đổi tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản năm 2018 của Chính phủ Việt Nam.
Kể từ khi dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Bộ Công Thương phê duyệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thị xã Ninh Hòa và các cơ quan liên quan tiến hành giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân 2 thôn Mỹ Giang, Ninh Yển (xã Ninh Phước). Trong quá trình giải phóng mặt bằng, lãnh đạo tỉnh, UBND thị xã Ninh Hòa và cả hệ thống chính trị địa phương đã thường xuyên tiếp xúc vận động và tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân để giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã kịp thời chỉ đạo áp dụng các chính sách hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tối đa cho người dân để họ sớm ổn định cuộc sống. Sau 12 năm thực hiện, đến tháng 5-2019, chính quyền địa phương chính thức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, mở ra giai đoạn mới của dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 là dự án công nghiệp lớn nhất tỉnh từ trước đến nay. Để có được buổi lễ động thổ hôm nay chính là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị địa phương. Đặc biệt, có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân tại khu vực triển khai dự án.
Tạo động lực cho công nghiệp phát triển
Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong là dự án động lực, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và Khu Kinh tế Vân Phong nói riêng. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần thực hiện an ninh năng lượng cho hệ thống lưới điện quốc gia; giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương. Không chỉ vậy, dự án được kỳ vọng sẽ có sức lan tỏa, thúc đẩy, thu hút các dự án khác đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, phát triển công nghiệp địa phương, tạo sức bật cho kinh tế Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ.
Các phương tiện, máy móc sẵn sàng thi công Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Ông Nguyễn Thế Vinh – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong cho biết: “Chúng tôi rất cảm kích trước việc người dân Ninh Phước từ bỏ đìa tôm, nhà cửa để chuyển đi nơi khác, nhường đất cho dự án. Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 cam kết đảm bảo an toàn cho môi trường, vận hành thương mại theo tiến độ cam kết với Chính phủ Việt Nam; đồng thời sẽ là một động lực để phát triển kinh tế địa phương, giúp người dân có thêm việc làm và một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Để tiếp tục những công việc trong thời gian tới, ông Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng và quy định của pháp luật Việt Nam; triển khai đúng tiến độ, đảm bảo an toàn lao động và chất lượng công trình. Các ban, ngành liên quan cũng như chủ đầu tư phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thi công, vận chuyển, lắp đặt thiết bị, giữ vững an toàn, an ninh. Trong quá trình thực hiện, cần đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Về phía chính quyền địa phương và các cơ quan của tỉnh, đồng chí yêu cầu thường xuyên phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhằm đưa dự án đi vào vận hành thương mại đúng năm 2023.
ĐÌNH LÂM

Theo: Báo Khánh Hòa