Từ ngày 5-4, Tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi sẽ được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết:
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
|
– Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật. Trong đó, dịch tả heo châu Phi xảy ra ở 8 hộ, 2 xã thuộc TP. Nha Trang; số heo bệnh, chết buộc tiêu hủy 104 con với khối lượng 5.654kg. Bệnh viêm da nổi cục xảy ra trên trâu, bò tại 1 hộ ở huyện Vạn Ninh làm 1 con bê chết. Nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi trong thời gian tới rất cao. Nguyên nhân do các loại mầm bệnh dịch tả heo châu Phi lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có tốc độ lây lan nhanh và rộng do các véc tơ truyền bệnh; các chủng vi rút mới xuất hiện trên đàn gia cầm như: cúm H5N8, H7N9… Ngoài ra, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh; điều kiện chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi nông hộ còn hạn chế; tình trạng chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn phổ biến; thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan… là những yếu tố khiến cho nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi tăng cao.
– Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi sẽ triển khai những nội dung cụ thể nào, thưa ông?
– Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi được thực hiện đồng loạt để chủ động ngăn ngừa, tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm; phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đảm bảo môi trường an toàn dịch bệnh; hạn chế và ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi.
Thời gian thực hiện đồng loạt từ ngày 5-4 trên địa bàn 126 xã, phường có hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi, ấp nở, giết mổ gia súc, gia cầm tiến hành các công việc làm sạch, thông thoáng khu vực chuồng trại, cơ sở giết mổ; sau đó sử dụng vôi bột, hóa chất khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận; vệ sinh sạch sẽ phương tiện, dụng cụ sử dụng trong chăn nuôi, giết mổ.
Tại các chợ có buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật tổ chức quét dọn và sử dụng vôi bột, phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực buôn bán và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ; phương tiện, dụng cụ vận chuyển phải phun khử trùng, tiêu độc khi vào, ra khỏi chợ.
– Được biết, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Ông có thể cho biết rõ hơn về nội dung này?
– Đối với các cơ sở chăn nuôi trang trại, ấp trứng gia cầm, giết mổ gia súc, gia cầm tự chủ động vật tư, kinh phí và tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Các xã, phường, thị trấn tổ chức các đoàn hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi tổ chức vệ sinh khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm.
Riêng các cơ sở chăn nuôi nông hộ, khu vực, chợ buôn bán gia súc, gia cầm sử dụng hóa chất từ nguồn ngân sách cấp. Theo đó, hóa chất phân bổ cho các địa phương thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi lần này là 6.300 lít Gludekol, loại hóa chất chuyên dùng để khử trùng, diệt khuẩn, diệt nấm, vi rút cho nhà xưởng chăn nuôi gia súc, gia cầm, lò mổ, kho lạnh, dụng cụ thiết bị đựng thức ăn, máng nước, phương tiện vận chuyển… Các địa phương tiến hành phun đồng loạt trên địa bàn tỉnh, tuyệt đối không phát hóa chất cho hộ chăn nuôi tự phun. UBND cấp xã chỉ đạo nhân viên thú y, khuyến nông, y tế phối hợp với các đoàn thể hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện trên địa bàn.
– Xin cảm ơn ông!
Hồng Đăng (Thực hiện)