Hiện nay, trên các cánh đồng trong tỉnh Khánh Hòa, nông dân đang tất bật thực hiện các công đoạn để gieo sạ vụ lúa đông xuân. Vụ này, người dân chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày và dự phòng giống để phòng bị cho việc lúa bị trôi do gặp trời mưa.

Cao điểm gieo sạ lúa

So với các địa phương khác, huyện Vạn Ninh thường có lịch gieo sạ lúa sớm hơn. Theo Phòng Kinh tế huyện, trong số hơn 3.200ha lúa đông xuân, nông dân trên địa bàn huyện đã gieo sạ xong khoảng 2.000ha. Trong đó, lúa có chu kỳ sinh trưởng 120 ngày được nông dân gieo sạ trong tháng 11; các giống lúa ngắn ngày, lịch gieo sạ được áp dụng trong tháng 12.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Nông dân Diên Khánh tập trung làm đất sản xuất lúa đông xuân.

Nông dân Diên Khánh tập trung làm đất sản xuất lúa đông xuân.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, vụ đông xuân, nông dân Ninh Hòa gieo 8.700ha lúa. Ngày 6-12 bắt đầu gieo trà đầu, đến nay đã được khoảng 10%. Các giống lúa dài ngày được gieo sạ trước, sau đó đến giống ngắn ngày nhằm mục đích thu hoạch cùng một thời điểm, phù hợp với điều kiện áp dụng máy móc vào thu hoạch đại trà như hiện nay.

Tại Diên Khánh, trong số hơn 4.000ha lúa đông xuân, hầu hết đều được sản xuất từ  các hợp tác xã. Với các giống chủ lực là: TH41, TH6, ML202 và Đài Thơm 8, hoạt động sản xuất lúa ở Diên Khánh hướng nhiều đến việc làm ra lúa giống có sự liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

Qua tìm hiểu, có khoảng 85% giống lúa chủ lực đang được gieo sạ tại các địa phương, còn lại là một số giống mới, đã được khảo nghiệm, trình diễn trước đó. Ngoài ra, hiện nay nông dân cũng đã hạn chế việc sử dụng lúa thịt để làm giống, một số giống tỏ ra không phù hợp, hay bị sâu bệnh, năng suất thấp… ở vụ lúa trước cũng được loại bỏ. Riêng tại Diên Khánh, giống lúa chủ lực ML 202 đang ổn định về năng suất, chất lượng nhưng dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn nên được bố trí gieo vào trà cuối.

Đề phòng trôi giống

Lúa đông xuân là vụ lúa chính so với hè thu hay vụ mùa. Vì vậy, cả về diện tích lẫn mức độ quan tâm đầu tư của nông dân dành cho vụ lúa này có phần cao hơn so với 2 vụ còn lại. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích lúa đông xuân năm nay ổn định ở 20.000ha. Trong suốt chu kỳ sinh trưởng, nhìn chung điều kiện thời tiết của vụ đông xuân thường thuận lợi hơn so với hè thu. Tuy nhiên, ở giai đoạn gieo sạ, lúa đông xuân thường gặp phải những đợt mưa tương đối lớn, dễ dẫn đến trôi giống. Tại Diên Khánh, có những năm người dân phải gieo sạ tới lần thứ 3 do gặp phải các đợt mưa liên tiếp. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến cáo nông dân không lấy lúa thịt làm lúa giống, cơ quan chuyên môn cũng đề nghị người dân giữ lại một ít lúa giống để dự phòng, gieo bổ sung khi cần thiết. Ngoài ra, thời điểm gieo sạ cần tính toán sao cho lúa trổ bông sau tiết Lập Xuân (ngày 4-2-2020), vì giai đoạn này thường có mưa, gió mùa thổi mạnh, nếu trổ bông sớm, cây lúa dễ bị đổ ngã, ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như hiệu quả.

Hiện nay, các địa phương cũng chỉ đạo niên vụ sản xuất này phải gieo sạ đồng loạt, tập trung rút ngắn thời gian gieo sạ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc cũng như thu hoạch được nhanh gọn, đồng bộ, giảm thất thoát, chi phí.

Hồng Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa