Những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Cam Lâm đã triển khai hiệu quả các hình thức huy động vốn, phù hợp với đặc thù của địa phương, trọng tâm là cho vay đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Agribank Chi nhánh Cam Lâm đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong tạo dựng nguồn vốn, dư nợ tăng cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, luôn vượt kế hoạch về lợi nhuận. Bên cạnh triển khai hình thức huy động vốn đa dạng, vận dụng linh hoạt lãi suất, ngân hàng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Đến nay, tổng nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng đạt 850 tỷ đồng, gấp 9,7 lần so với năm 2007 (khi mới thành lập). Tốc độ tăng trưởng vốn huy động bình quân 25,5%/năm. Số lượng khách hàng tiền gửi cũng tăng đáng kể, gấp 10 lần so với năm 2007, với trên 14.600 khách hàng.

Hiện nay, Agribank Chi nhánh Cam Lâm đang cho hơn 4.500 khách hàng vay, chiếm hơn 16% tổng số hộ, tổng dư nợ đến tháng 11-2017 đạt hơn 460 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với năm 2007, tốc độ tăng dư nợ bình quân hàng năm là 18,2%. Chất lượng tín dụng luôn được chú trọng kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu giảm dần từ 1,13% năm 2007 xuống còn 0,18% năm 2017. Bên cạnh đó, Agribank Chi nhánh Cam Lâm luôn làm tốt vai trò của một ngân hàng thương mại nhà nước, chuyển tải vốn cho mọi thành phần kinh tế trên địa bàn huyện, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chi nhánh luôn bám sát định hướng chung của Agribank Khánh Hòa, tập trung đầu tư vào những ngành nghề đối tượng chủ lực tại địa bàn như: vườn xoài, trang trại chăn nuôi, các ngành nghề thủ công, nuôi trồng thủy sản…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Cơ sở đan giỏ cần xé của  bà Trần Thị Thủy ở xã Cam Hiệp Nam

Cơ sở đan giỏ cần xé của bà Trần Thị Thủy ở xã Cam Hiệp Nam

Bà Nguyễn Thị Hồng Phương – chủ trại heo ở xã Cam An Bắc cho biết: “Tôi đầu tư chăn nuôi heo từ năm 2004 và gắn bó với Agribank Chi nhánh Cam Lâm từ đó đến nay. Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, tôi đầu tư theo kiểu gối đầu, từ đàn heo chỉ vài chục con, hiện nay tôi đã gây dựng được trang trại với tổng đàn hơn 2.000 con. Từ khi khởi sự tôi vay được 15 triệu đồng, sau đó cứ trả rồi lại vay và đầu tư phát triển dần lên. Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư của tôi đã lên tới 15 tỷ đồng, trong đó vay của Agribank Chi nhánh Cam Lâm 4,5 tỷ đồng… Nhờ tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, lãi suất phải chăng nên gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế, hiện nay đã có của ăn của để”.

Để giữ thị phần tín dụng, Agribank Chi nhánh Cam Lâm còn tập trung phát triển đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh thương mại trên địa bàn, góp phần thúc đẩy đáng kể quá trình phát triển  kinh tế – xã hội của địa phương. Bà Trần Thị Thủy – chủ cơ sở đan giỏ cần xé Hòa Thủy, ở xã Cam Hiệp Nam cho biết: “Ban đầu, khi mở cơ sở đan và thu mua giỏ cần xé, chúng tôi chủ yếu làm thủ công nên thu nhập không đáng kể. Từ năm 2013, khi tiếp cận được nguồn vốn của Agribank Chi nhánh Cam Lâm, tôi đầu tư mua sắm thêm máy móc, nhờ vậy đã và đang giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 100 lao động nhàn rỗi tại địa phương và một số xã lân cận”.

Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Agribank Chi nhánh Cam Lâm cho biết, có những thời gian do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, biến động về giá cả nông sản… làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu của đơn vị. Song, Agribank Chi nhánh Cam Lâm đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của ngân hàng cấp trên về giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay trong từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu đầu tư vốn đến các thành phần kinh tế trên địa bàn. Thời gian tới, Agribank Chi nhánh Cam Lâm tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Phan Hương


Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Agribank Chi nhánh Cam Lâm: Huyện Cam Lâm là một trong những địa phương có thiệt hại lớn trong cơn bão số 12 vừa qua. Agribank Chi nhánh huyện Cam Lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn và khách hàng để nắm bắt, thống kê kịp thời các khách hàng vay vốn ngân hàng bị thiệt hại. Thống kê đến ngày 15-11, có 169 khách hàng bị thiệt hại, giá trị khoảng hơn 22 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay ngân hàng chiếm tỷ lệ hơn 50%. Đối tượng thiệt hại chủ yếu đang đầu tư trồng cây ăn quả (xoài, chuối), trang trại nuôi gà và nuôi trồng thủy sản. Để hỗ trợ khách hàng, thực hiện chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại và thực hiện các giải pháp hỗ trợ như: cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới,… nhằm đồng hành, hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh.


Theo: Báo Khánh Hòa