Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Đổi thay trên những vùng đất mới

Sau ngày đất nước thống nhất, những vùng đất khô cằn, núi rừng hoang hóa như: Đất Sét (xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh), Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa)… đã được lựa chọn để xây dựng các khu kinh tế mới. Qua hàng chục năm xây dựng, phát triển, diện mạo những vùng đất này đã đổi thay từng ngày, đang trở thành các địa phương nông thôn mới.

Đi khai hoang, phục hóa


Khu kinh tế Đất Sét hôm nay, những con đường nhựa phẳng lỳ; xa xa, những vườn cây trái, đồi keo, đồng mía ngút ngàn. Giữa vùng quê trù phú, chúng tôi nhìn thấy dáng dấp của phố thị đang dần hiện hữu từ những con đường bàn cờ chạy dọc ngang hay nhiều cửa hàng tạp hóa dọc theo những con đường trung tâm xã.



Thanh niên xung phong hăng hái tham gia lao động sản xuất tại các khu kinh tế mới. (Ảnh tư liệu)



Nhớ về một thời xung phong đi xây dựng khu kinh tế Đất Sét, ông Hà Văn Thiểu (73 tuổi, ở xã Diên Xuân) kể: Sau ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất nhưng kinh tế muôn vàn khó khăn. Vấn đề lớn đặt ra lúc bấy giờ cho tỉnh Phú Khánh là phải nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Khi ấy, tỉnh Phú Khánh thành lập 7 vùng kinh tế mới đầu tiên, trong đó có khu kinh tế mới Đất Sét. Thanh niên được giao nhiệm vụ đi đầu trong việc khai hoang, phục hóa các vùng đất hoang tàn sau chiến tranh. Những băng rôn, khẩu hiệu: “Tất cả cho sản xuất”, “Nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương phục hóa, khai hoang, mở rộng vùng kinh tế mới”… treo nhiều trên các trục đường. Tháng 4-1976, 4 đại đội thanh niên xung phong đã lên đường đi xây dựng khu kinh tế mới Đất Sét. Sau đó ít tháng, hơn 1.000 hộ dân của Nha Trang và Cam Ranh cũng đến đây, bắt đầu công cuộc xây dựng vùng đất mới. Hồi đó, xã Diên Xuân được phân thành 4 khu (Đất Sét 1, Đất Sét 2, Đất Sét 3 và Đất Sét 4). Ngoài khu Đất Sét 2 dân từ Cam Ranh đến, các khu còn lại đều là người ở các phường: Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Phước Hải, Phước Hòa… của TP. Nha Trang.  


Trong công cuộc xây dựng sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất Đá Bàn cũng là nơi ghi dấu ấn về những thành tựu đến từ lòng quyết tâm làm thay đổi một vùng đất khó. Ông Nguyễn Văn Tâm – thanh niên xung phong có mặt tại Đá Bàn những ngày đầu đi xây dựng khu kinh tế mới kể: Đầu năm 1977, ông cùng gần 1.000 thanh niên xung phong thuộc 6 đại đội đến Đá Bàn theo sự điều động của Ban Kinh tế mới tỉnh. Từ vùng đất bốn bề là rừng núi, Đá Bàn nhanh chóng trở thành “đại công trường” với nhiều công trình được triển khai… Năm 1978, khu vực Đá Bàn được thành lập khu kinh tế mới Hòa Sơn. Đến năm 1980, Nông trường bông Đá Bàn thuộc Công ty Bông Trung ương hình thành. Cũng trong những năm đầu giải phóng, hồ thủy lợi Đá Bàn được xây dựng, góp phần đưa nguồn nước về sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho các địa phương ở đồng bằng thị xã Ninh Hòa. Hàng ngàn người đến vùng đất này đã chung tay xây dựng khu kinh tế mới và công trình thủy lợi hồ Đá Bàn. Sức trẻ đã lao động cật lực ngày đêm để biến một vùng đất hoang hóa trở thành những cánh đồng màu mỡ, nhiều thanh niên xung phong đi xây dựng khu kinh tế mới đã chọn ở lại xây dựng cuộc sống trên vùng đất Đá Bàn.

Xây dựng nông thôn mới


Cứ mỗi dịp đến các khu kinh tế mới, chúng tôi lại được thấy sự chuyển mình đi lên của những vùng đất khó trước đây. Xã Diên Xuân hay xã Ninh Sơn nay đã có hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, bộ mặt nông thôn đã khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.



Một góc xã Diên Xuân nhìn từ trên cao.



Ông Ngô Đăng Khoa – Chủ tịch UBND xã Diên Xuân cho biết: “Đến cuối năm 2022, địa phương đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong 5 tiêu chí chưa đạt, có các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đang được tập trung đầu tư để hoàn thành trong năm nay; riêng tiêu chí thu nhập, hiện đã đạt 36 triệu đồng/người/năm. Những năm qua, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả được gần 65ha, năm nay cho thu hoạch sẽ tăng nhanh thu nhập cho người dân; phát triển 200ha mía, 110ha lúa 2 vụ, 960ha keo. Cùng với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, địa phương còn chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn; kết nối để giải quyết việc làm cho lao động địa phương… Dự kiến đến cuối năm 2023, xã sẽ đạt tiêu chí về thu nhập để đạt chuẩn nông thôn mới”.



Một góc xã Ninh Sơn bây giờ.



Trong khi đó, ông Mai Xuân Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết: “Với sự nỗ lực của bao thế hệ, đến năm 2020, xã Ninh Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; cơ sở hạ tầng được đạt chuẩn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu… Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ninh Sơn tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; xây dựng các thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn có kinh tế phát triển; hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại, phù hợp; môi trường sinh thái trong lành; bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn và phát huy; an ninh trật tự đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhân dân đồng tình ủng hộ”.


Đến các khu kinh tế mới, thấy học sinh nô nức đến trường, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát dọc những con đường trải nhựa phẳng lỳ…, chúng tôi tin chắc rằng những khu kinh tế mới sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa trong tương lai.



Theo thông tin từ Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh, năm 1976, khoảng 2.000 thanh niên xung phong được chia làm 17 đại đội đi xây dựng các vùng kinh tế mới: Đất Sét (xã Diên Xuân), Đồng Trăng (xã Diên Đồng), Củ Chi (xã Diên Tân) thuộc huyện Diên Khánh; Bến Khế (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh), và Ninh Trang (xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) và một số vùng thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay. Năm 1977, tiếp tục có hơn 3.100 thanh niên xung phong biên chế thành 28 đại đội đi xây dựng các khu kinh tế mới tại Suối Thơm (xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh), Hòa Sơn (xã Ninh Sơn), nông trường Dục Mỹ (xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa)… và một số địa phương thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay. Ngoài ra, ở các địa phương, chính quyền cũng phát động nhân dân đẩy mạnh khai hoang phục hóa xây dựng kinh tế mới ở: Đồng Tròn (huyện Diên Khánh), Xuân Sơn, Hóc Chim, Đồng Bé (huyện Vạn Ninh); Đồng Nẩy, Cung Hòa, Quảng Thiện, Tân Lâm, Tân Tứ (thị xã Ninh Hòa)…

Lịch sử Đảng bộ tỉnh ghi nhận: Từ năm 1976 đến quý I/1979, toàn tỉnh vận động hơn 12.200 gia đình với hơn 63.000 người, trong đó có hơn 28.600 lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới trong tỉnh.


HẢI LĂNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/ky-niem-370-nam-hinh-thanh-phat-trien-tinh-khanh-hoa/202303/doi-thay-tren-nhung-vung-dat-moi-8278347/