Những ngày sau bão, nhiều doanh nghiệp (DN) nhanh chóng bắt tay vào việc khắc phục thiệt hại, xây dựng lại nhà máy để đi vào hoạt động sớm nhất.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, cơn bão số 12 đã làm nhiều DN trong 2 cụm công nghiệp (CCN) Diên Phú và Đắc Lộc (TP. Nha Trang) bị thiệt hại nặng. Tại CCN Đắc Lộc có đến 17/19 DN bị thiệt hại. Trong đó, DNTN Thanh Khuê là một trong những DN bị nặng. Xưởng sản xuất, nhà kho rộng gần 9.000m2 bị sập hoàn toàn; toàn bộ thành phẩm, nguyên vật liệu, máy móc phục vụ ngành mây tre đan bị hư hỏng gần hết. Ước tính tổng thiệt hại của DN khoảng 100 tỷ đồng. Gần 400 công nhân hiện nay vẫn đang phải nghỉ việc… Công ty Thuốc lá nguyên liệu Khatoco cũng bị tốc mái nhà kho chứa nguyên liệu khiến khoảng 1.000 tấn nguyên liệu bị nước mưa ngấm vào. Do bị cúp điện nhiều ngày, không chạy được lò sấy nên số nguyên liệu này không có khả năng cứu vãn. Cộng thêm thiệt hại máy móc, ước tính tổng thiệt hại của công ty khoảng 20 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thiệt hại tại Công ty Cổ phần Bao bì Đông Á

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thiệt hại tại Công ty Cổ phần Bao bì Đông Á

Tại CCN Diên Phú, tình hình thiệt hại cũng không kém. Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Khánh Hòa chỉ riêng phần bao bì thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng, thiệt hại nhà xưởng chưa ước tính được. Công ty TNHH Việt Khánh Phú bị sập kho nguyên liệu da đà điểu, cá sấu, bò khiến nguyên liệu bị ướt, thấm nước mưa. Hợp đồng với các đối tác nước ngoài như: Anh, Đức, Mỹ bị hoãn. Tổng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Đứng trước đống đổ nát do cơn bão gây ra, bà Nguyễn Thị Khuê – Giám đốc DNTN Thanh Khuê không giấu nổi nước mắt. Những ngày sau bão, chủ DNTN Thanh Khuê bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch khắc phục thiệt hại, xây dựng lại nhà máy để đi vào hoạt động sớm nhất. Bà Khuê cho biết: “Nhiều bạn hàng đã gọi điện động viên, chia sẻ những mất mát của DN. Có bạn hàng còn đặt hàng và chuyển khoản 100% giá trị đơn hàng mà không yêu cầu cụ thể ngày nhận để DN có điều kiện khôi phục sản xuất. Chúng tôi đang đợi Bảo hiểm Bảo Minh xác định chính xác giá trị tài sản thiệt hại rồi bắt tay ngay vào việc tháo dỡ vật liệu hư hỏng, dọn dẹp máy móc. Dự kiến cuối tháng 11 chúng tôi khởi công xây dựng mới xưởng sản xuất và nhà kho. Khoảng 3 tháng sau, toàn bộ nhà máy sẽ đi vào hoạt động trở lại. Chúng tôi muốn đi vào hoạt động càng nhanh càng tốt, bởi hiện nay đã có nhiều công nhân muốn nghỉ việc để nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc xin làm ở công ty khác”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc Công ty Thuốc lá nguyên liệu Khatoco cho biết, ngày 9-11, công ty được cấp điện trở lại nên đã cho máy móc chạy hết công suất để khắc phục các thiệt hại về nguyên liệu bị thấm nước. Hơn 1.000 tấn nguyên liệu chúng tôi đang cố gắng cứu được phần nào quý phần đó. Các đơn hàng chắc chắn bị ảnh hưởng về tiến độ nhưng hy vọng sẽ được thông cảm vì thiên tai ngoài kiểm soát. Còn ông Nguyễn Văn Thinh – Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Khánh Hòa cho biết, chỉ 3 ngày sau bão, công ty đã bắt tay vào sản xuất để đảm bảo các đơn hàng. Các khu vực kho thành phẩm, phân xưởng nấu, phân xưởng động lực bị tốc mái đã được công ty đặt hàng thi công khắc phục ngay. Dự kiến cuối tháng 11 sẽ khắc phục xong phần tốc mái, lắp lại kính và công ty hoạt động bình thường. Công ty đang chạy tối đa công suất để không ảnh hưởng đến các đơn hàng Tết.

Ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam (CCN Diên Phú) cho biết, ngay sau khi bão tan, ông đã huy động công nhân thu dọn nhà kho, xưởng sản xuất bị sập để lấy mặt bằng xây dựng lại. Thiết bị máy móc của công ty đang đợi chuyên gia bên Italia sang để xác định mức độ hư hỏng và sửa chữa. Hơn 200 công nhân của công ty đã đi làm lại tại những vị trí không bị bão đánh sập.

Lãnh đạo Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin cho biết, chiều 10-11, nhà máy mới có điện trở lại nên dự kiến ngày 13-11 công nhân mới đi làm. Trong 3 cần cẩu bị gãy thì cần cẩu 450 tấn trở thành đống sắt vụn, không thể sửa chữa, 2 cần cẩu còn lại cũng hư hỏng rất nặng. 3 tàu mới đóng xong chuẩn bị bàn giao bị bão làm trôi dạt. Hiện nay, công ty mới lai dắt 1 tàu về để khắc phục, còn 2 tàu mắc cạn còn lại vẫn đang đợi phía bảo hiểm. Tổng Công ty mẹ đã cử một đoàn chuyên gia từ Hàn Quốc sang để đánh giá các thiệt hại và đưa ra biện pháp khắc phục.

Theo ông Lê Hoàng Thọ – Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiện nay, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh thực hiện các biện pháp giãn nợ, giảm nợ, tạo điều kiện cho vay mới để các công ty sớm ổn định sản xuất. Các đơn vị cũng đã hướng dẫn DN kê khai thiệt hại và làm các thủ tục để được hỗ trợ. Đến nay, hai CCN trên đã được cấp điện, nước. Hy vọng các DN sẽ sớm khắp phục hậu quả, khôi phục sản xuất.

VĂN KỲ

Theo: Báo Khánh Hòa